Xác định trách nhiệm liên đới, trách nhiệm trực tiếp

Là cán bộ kế toán của UBND phường X, lợi dụng việc được giao quản lý các quyển biên lai thu tiền đóng góp của dân nên từ năm 2005 đến tháng 8/2006, Lương Văn M đã nhiều lần chiếm đoạt tiền từ các nguồn thu quỹ an ninh, quỹ đền ơn đáp nghĩa, lao động công ích... mà nhân dân trong phường đóng góp với tổng số tiền đã biển thủ là gần 70 triệu đồng. Hành vi tham ô tài sản của M bị cơ quan chức năng của huyện phát hiện và truy tố. Ngày 25/10/2006, Toà án nhân dân huyện đã xét xử và tuyên phạt bản án 5 năm tù giam đối với hành vi tham ô tài sản của M. Sau khi việc xét xử M kết thúc, UBND huyện đã chỉ đạo tập thể UBND xã X nghiêm khắc tiến hành kiểm điểm trách nhiệm do để xảy ra vụ việc và yêu cầu các cá nhân có liên quan tự đề xuất hình thức kỷ luật tương xứng với trách nhiệm quản lý của mình. Tại cuộc họp về vấn đề này, bà H, Chủ tịch UBND xã X đã phân tích và quy trách nhiệm cho ông C, Phó Chủ tịch UBND xã, là người được phân công trực tiếp theo dõi việc thu chi và các công việc đã để xảy ra hành vi tham ô của M. Tuy nhiên, ông C cho rằng bà H quy kết như vậy là không thoả đáng vì ông chỉ có vai trò là cấp phó, là người giúp việc cho bà H, còn trách nhiệm chính là thuộc về bà H, còn ông chỉ chịu trách nhiệm liên đới do đã xảy ra vụ việc mà thôi. Trong vụ việc này, bà H và ông C ai là người phải chịu trách nhiệm trực tiếp, ai là người phải chịu trách nhiệm liên đới về hành vi tham ô tài sản của M?

Nội dung chính

    Xác định trách nhiệm liên đới, trách nhiệm trực tiếp

    Trong vụ việc nói trên, để xác định được trách nhiệm kỷ luật tương xứng với vị trí, vai trò của lãnh đạo UBND xã X đòi hỏi phải xác định được mức độ nghiêm trọng của vụ việc tham nhũng và mối liên quan của từng cá nhân lãnh đạo UBND xã với hành vi tham nhũng. Giải quyết vấn đề này cần căn cứ vào các quy định chi tiết và hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 120/2006/NĐ-CP.

    Về mức độ nghiêm trọng của vụ tham nhũng xảy ra tại xã X

    Trong vụ việc này, hành vi tham ô tài sản của Lương Văn M đã bị Toà án có thẩm quyền xét xử và tuyên phạt bản án 5 năm tù. Do đó, căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị định số 120/2006/NĐ-CP thì vụ việc tham nhũng này được xác định là có mức độ nghiêm trọng. Việc xác định vụ việc tham nhũng có mức độ ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng có ý nghĩa làm căn cứ để từ đó xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã để xảy ra trong cơ quan do mình quản lý, phụ trách.

    Về trách nhiệm liên quan của Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã X với hành vi tham nhũng

    Trong tình huống nói trên có thể thấy việc tổ chức phân công công việc trong lãnh đạo UBND xã X thực hiện như sau: Bà H, Chủ tịch UBND xã là người phụ trách chung, và không trực tiếp quản lý theo dõi công việc của Lương Văn M. Ông C, Phó Chủ tịch UBND xã là người được bà H phân công trực tiếp phụ trách việc thực hiện nhiệm vụ của Lương Văn M.

    Như vậy, căn cứ vào sự phân công công tác và mối quan hệ về trách nhiệm quản lý của bà H, ông C với Lương Văn M thì:

    - Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2006/NĐ-CP thì ông C, Phó Chủ tịch UBND xã, người đã để xảy ra hành vi tham nhũng trong lĩnh vực do mình trực tiếp phụ trách, do cán bộ trực tiếp do mình quản lý thực hiện nên ông C sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng.

    - Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 120/2006/NĐ-CP thì bà H, Chủ tịch UBND xã, tuy không trực tiếp phụ trách hoạt động công vụ của Lương Văn M, nhưng với vai trò là người đứng đầu cơ quan, và là người phân công ông C trực tiếp phụ trách lĩnh vực công tác đã xảy ra tham nhũng nên bà H phải chịu trách nhiệm liên đới với ông C về việc đã để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan mình.

    18