Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc vào năm nào?

Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc vào năm nào? Nguyên tắc hành động của Liên hợp quốc và các thành viên Liên hợp quốc?

Nội dung chính

    Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc vào năm nào?

    Liên hợp quốc (viết tắt là UN) là một tổ chức liên chính phủ được thành lập vào năm 1945 với mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh thế giới, thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển bền vững.

    Tính đến nay, Liên hợp quốc có tổng cộng 193 thành viên. Thành viên mới nhất là Nam Sudan, gia nhập vào ngày 14 tháng 7 năm 2011.

    Ngày 14/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có đơn xin gia nhập Liên hợp quốc; song lúc đó, Việt Nam chưa được quốc gia nào trên thế giới công nhận độc lập nên việc gia nhập Liên hợp quốc chưa thể thực hiện được.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi nhiều thư, điện cho Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, một số nước trên thế giới yêu cầu công nhận nền độc lập của Việt Nam để có thể sớm gia nhập Liên hợp quốc. Sau khi thống nhất đất nước, tháng 7/1975, hai đoàn miền Bắc và miền Nam Việt Nam sang New York để vận động tham gia Liên hợp quốc.

    Ngày 20/9/1977, tại phiên họp lần thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam được chính thức công nhận là thành viên thứ 149 của tổ chức này. Kể từ đó, quan hệ giữa Việt Nam và Liên hợp quốc ngày càng phát triển.

    Sau khi gia nhập Liên hợp quốc , Việt Nam đã tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ từ các nước thành viên để Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Bên cạnh đó, Việt Nam đã phối hợp với các nước không liên kết, các nước đang phát triển để đấu tranh, bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc như: bảo vệ lợi ích các nước đang phát triển, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, không can thiệp công việc nội bộ các nước.

    Như vậy, Việt Nam được chính thức công nhận là thành viên thứ 149 vào năm 1977

    Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc vào năm nào?

    Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc vào năm nào? (Hình từ Internet)

    Nguyên tắc hành động của Liên hợp quốc và các thành viên Liên hợp quốc?

    Căn cứ vào Điều 2 Hiến Chương Liên hợp quốc 1945 quy định như sau:

    Theo đó, để đạt được những mục đích nêu ở Điều 1 Hiến Chương Liên hợp quốc 1945 Liên hợp quốc và các thành viên Liên hợp quốc hành động phù hợp với những nguyên tắc sau đây:

    - Liên hợp quốc được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của tất cả các quốc gia thành viên.

    - Tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đều phải làm tròn những nghĩa vụ mà họ phải đảm nhận theo Hiến chương này để được đảm bảo hưởng toàn bộ các quyền và ưu đãi do tư cách thành viên mà có;

    - Tất cả các thành viên của Liên hợp quốc giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hoà bình, sao cho không tổn hại đến hoà bình, an ninh quốc tế và công lý;

    - Tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên hợp quốc.

    - Tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc giúp đỡ đầy đủ cho Liên hợp quốc trong mọi hành động mà nó áp dụng theo đúng Hiến chương này và tránh giúp đỡ bất cứ quốc gia nào bị Liên hợp quốc áp dụng các hành động phòng ngừa hoặc cưỡng chế;

    - Liên hợp quốc làm thế nào để các quốc gia không phải là thành viên Liên hợp quốc cũng hành động theo nguyên tắc này, nếu như điều đó cần thiết để duy trì hoà bình và an ninh thế giới;

    - Hiến chương này hoàn toàn không cho phép Liên hợp quốc được can thiệp vào những công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ của bất cứ quốc gia nào, và không đòi hỏi các thành viên của Liên hợp quốc phải đưa những công việc loại này ra giải quyết theo quy định của Hiến chương; tuy nhiên, nguyên tắc này không liên quan đến việc thi hành những biện pháp cưỡng chế nói ở chương VII.

    Chuyên viên pháp lý Lê Trần Hương Trà
    18
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ