Việc phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước được thực hiện như thế nào từ 07/02/2025?
Nội dung chính
Việc phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước được thực hiện như thế nào từ 07/02/2025?
Ngày 24/12/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 88/2024/TT-BTC về việc quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Trong đó, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 88/2024/TT-BTC, việc phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước được thực hiện như sau:
(1) Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên cho các đơn vị sử dụng ngân sách trong phạm vi dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, Hội đồng nhân dân quyết định, Ủy ban nhân dân giao đúng thời gian quy định, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; thực hiện đầy đủ các chính sách tiền lương, tiền thưởng theo quy định tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở theo Nghị quyết 142/2024/QH15, các chế độ, chính sách đã ban hành, những nhiệm vụ quan trọng theo quy định của pháp luật, những nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
- Đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề, sự nghiệp khoa học và công nghệ:
Các bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm rà soát đối tượng được hưởng các chính sách giáo dục hỗ trợ cho học sinh, sinh viên trong phạm vi chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao hiện hành, mức thu học phí, mức hỗ trợ theo quy định để thanh, quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015 và các văn bản hướng dẫn.
Trường hợp không sử dụng hết hoặc phát hiện các khoản chi không đúng quy định, các bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm thu hồi, nộp trả ngân sách nhà nước theo quy định; trường hợp kinh phí thực hiện lớn hơn dự toán được giao, đề nghị có văn bản gửi Bộ Tài chính để xử lý theo chế độ quy định.
Các địa phương phân bổ, giao dự toán chi ngân sách cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới không thấp hơn mức dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015 và pháp luật có liên quan; ưu tiên kinh phí thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
- Ưu tiên phân bổ kinh phí cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật theo quy định; kinh phí tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; kinh phí thực hiện các hoạt động của Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; kinh phí tổ chức các sự kiện quan trọng, các Ngày lễ lớn, ngày truyền thống năm tròn, năm chẵn của một số bộ, ngành, cơ quan trung ương.
- Bố trí ngân sách đảm bảo thực hiện công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn cho các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan;
(2) Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền giao năm 2025, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các nội dung sau:
- Bố trí đủ kinh phí để đảm bảo thực hiện các chế độ, chính sách Trung ương ban hành đến thời điểm giao dự toán ngân sách năm 2025 để các đối tượng được hưởng chính sách ngay từ đầu năm 2025.
- Sử dụng kinh phí bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn địa phương để chi cho các lực lượng chức năng có liên quan thanh tra giao thông vận tải, Ban an toàn giao thông các cấp thuộc địa phương,... (không bao gồm lực lượng công an địa phương do đã được đảm bảo trong dự toán chi ngân sách nhà nước của Bộ Công an) phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
- Sử dụng kinh phí bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương, nguồn ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện quản lý, bảo trì đường bộ thuộc trách nhiệm của địa phương theo phân cấp.
- Thực hiện hoạt động của các tổ chức được giao nhiệm vụ thu phí, lệ phí ở địa phương (cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập).
Trường hợp cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí áp dụng cơ chế tài chính theo quy định tại Nghị định 130/2005/NĐ-CP, Nghị định 117/2013/NĐ-CP.
Trường hợp tổ chức thu là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP.
- Ưu tiên bố trí kinh phí để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chi sự nghiệp bảo vệ môi trường theo Nghị quyết 41-NQ/TW năm 2004, Luật Bảo vệ môi trường 2020, Thông tư 02/2017/TT-BTC và Thông tư 31/2023/TT-BTC; kinh phí triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định 06/QĐ-TTg năm 2022 và Chỉ thị số 04/CT-TTg năm 2024.
Như vậy, việc phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên được thực hiện theo các nội dung nêu trên.
Việc phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên được thực hiện như thế nào? (Hình từ Internet)
Việc giám sát ngân sách nhà nước của cộng đồng hiện nay gồm những nội dung nào?
Khoản 1 Điều 16 Luật Ngân sách nhà nước 2015 quy định:
Giám sát ngân sách nhà nước của cộng đồng
1. Ngân sách nhà nước được giám sát bởi cộng đồng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức việc giám sát ngân sách nhà nước của cộng đồng. Nội dung giám sát ngân sách nhà nước của cộng đồng gồm:
a) Việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước;
b) Tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hằng năm;
...
Như vậy, việc giám sát ngân sách nhà nước của cộng đồng gồm các nội dung theo quy định trên.
Thông tư 88/2024/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 07/02/2025 và áp dụng đối với năm ngân sách 2025.