Nghị định 130/2005/NĐ-CP quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước

Số hiệu 130/2005/NĐ-CP
Ngày ban hành 17/10/2005
Ngày có hiệu lực 08/11/2005
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 130/2005/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2005 

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TỰ CHỦ, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ SỬ DỤNG BIÊN CHẾ VÀ KINH PHÍ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

1. Nghị định này quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước có tài khoản và con dấu riêng (sau đây gọi tắt là cơ quan thực hiện chế độ tự chủ), bao gồm:

a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

b) Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước;

c) Toà án nhân dân các cấp; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp;

d) Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

đ) Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Việc thực hiện chế độ tự chủ đối với Ủy ban nhân dân cấp xã, phường do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào các quy định tại Nghị định này, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và điều kiện thực tế tại địa phương để quyết định.

3. Các cơ quan thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội được cơ quan có thẩm quyền giao biên chế và kinh phí quản lý hành chính xem xét tự quyết định việc áp dụng các quy định tại Nghị định này.

4. Các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Cơ yếu Chính phủ được ngân sách nhà nước cấp kinh phí quản lý hành chính không thuộc đối tượng thực hiện Nghị định này.

Điều 2. Mục tiêu thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính

1. Tạo điều kiện cho các cơ quan chủ động trong việc sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính một cách hợp lý nhất để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Thúc đẩy việc sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng lao động, kinh phí quản lý hành chính.

3. Nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả sử dụng kinh phí quản lý hành chính, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.

4. Thực hiện quyền tự chủ đồng thời gắn với trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị và cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính

1. Bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

2. Không tăng biên chế và kinh phí quản lý hành chính được giao, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 9 của Nghị định này.

3. Thực hiện công khai, dân chủ và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cán bộ, công chức.

Chương 2:

NỘI DUNG CHẾ ĐỘ TỰ CHỦ, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ SỬ DỤNG BIÊN CHẾ VÀ KINH PHÍ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

[...]