Việc phá dỡ nhà ở trên đất nông nghiệp 2025 phải tuân theo những yêu cầu nào?
Nội dung chính
Việc phá dỡ nhà ở trên đất nông nghiệp 2025 phải tuân theo những yêu cầu nào?
Căn cứ Điều 138 Luật Nhà ở 2023, có những yêu cầu sau đây khi phá dỡ nhà ở:
- Phải di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực phá dỡ.
- Phải có biển báo và giải pháp cách ly với khu vực xung quanh.
- Bảo đảm an toàn cho người, tài sản, công trình xung quanh, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thuộc trường hợp không bị phá dỡ và bảo đảm vệ sinh, môi trường theo quy định của pháp luật.
- Đối với trường hợp phải có phương án phá dỡ theo quy định của pháp luật về xây dựng thì chủ sở hữu, người đang quản lý, sử dụng nhà ở, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình phải lập phương án phá dỡ trước khi thực hiện.
- Không được thực hiện việc phá dỡ nhà ở thuộc khu dân cư trong thời gian từ 12 giờ đến 13 giờ và từ 22 giờ đến 05 giờ, trừ trường hợp khẩn cấp.
Việc phá dỡ nhà ở trên đất nông nghiệp 2025 phải tuân theo những yêu cầu nào? (Hình từ Internet)
Tại sao đất nông nghiệp không được xây nhà?
Căn cứ theo khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Điều 9. Phân loại đất
1. Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại bao gồm nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng.
2. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác;
b) Đất trồng cây lâu năm;
c) Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
d) Đất nuôi trồng thủy sản;
đ) Đất chăn nuôi tập trung;
e) Đất làm muối;
g) Đất nông nghiệp khác.
[...]
Theo đó, đất nông nghiệp là đất được sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp như: trồng lúa, trông cây hằng năm hoặc lâu năm, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, làm muối và các mục đích sản xuất nông nghiệp khác.
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1 Điều 31 Luật Đất đai 2024 quy định về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất như sau:
Điều 31. Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất
1. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định vềTrừ trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.
[...]
Theo đó, việc xây nhà trên đất nông nghiệp là không đúng mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Mục đích sử dụng của đất nông nghiệp không dùng để xây nhà ở. Bên cạnh đó, việc xây nhà là mục đích sử dụng của đất ở thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.
Do đó, việc xây nhà trên đất nông nghiệp là hành vi sử dụng đất có vi phạm pháp luật.
Cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 218 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Điều 218. Sử dụng đất kết hợp đa mục đích
1. Các loại đất sau đây được sử dụng kết hợp đa mục đích:
a) Đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu;
b) Đất sử dụng vào mục đích công cộng được kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ;
c) Đất xây dựng công trình sự nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ;
d) Đất ở được sử dụng kết hợp với mục đích nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, công trình sự nghiệp có mục đích kinh doanh;
đ) Đất có mặt nước được sử dụng kết hợp đa mục đích theo quy định tại các điều 188, 189 và 215 của Luật này;
e) Đất tôn giáo, đất tín ngưỡng được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ;
g) Đất quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9 của Luật này được sử dụng kết hợp mục đích nông nghiệp, xây dựng công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ, thông tin, quảng cáo ngoài trời, điện mặt trời.
[...]
Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 2 Điều 99 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 99. Sử dụng đất kết hợp đa mục đích
[...]
2. Phạm vi, điều kiện sử dụng đất kết hợp đa mục đích
a) Sử dụng đất vào mục đích kết hợp không thuộc trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại Điều 121 Luật Đất đai;
b) Diện tích đất sử dụng vào mục đích kết hợp không quá 50% diện tích đất sử dụng vào mục đích chính, trừ diện tích đất ở sử dụng kết hợp đa mục đích;
c) Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp để sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải có quy mô, tính chất phù hợp, dễ dàng tháo dỡ. Diện tích đất xây dựng công trình để sử dụng vào mục đích kết hợp trên đất trồng lúa, đất lâm nghiệp thực hiện theo quy định của Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa và pháp luật về lâm nghiệp. Đất có mặt nước không được san lấp làm thay đổi dòng chảy, diện tích bề mặt nước, chiều sâu tầng nước;
d) Việc xây dựng, cải tạo công trình để sử dụng vào mục đích kết hợp phải phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan;
đ) Thời gian sử dụng đất vào mục đích kết hợp không vượt quá thời hạn sử dụng đất còn lại của mục đích chính.
[...]
Như vậy, cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp khi diện tích đất xây dựng công trình không quá 50% diện tích đất sử dụng vào mục đích chính. Diện tích đất xây dựng công trình để sử dụng vào mục đích kết hợp trên đất trồng lúa thực hiện theo quy định của Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa và pháp luật về lâm nghiệp.
Đất có mặt nước không được san lấp làm thay đổi dòng chảy, diện tích bề mặt nước, chiều sâu tầng nước.
Việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp cụ thể để sử dụng vào mục đích kết hợp phải phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.