Trường hợp con đang học đại học thì bố mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng khi ly hôn không?

Trường hợp con đang học đại học thì bố mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng khi ly hôn không? Có được chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng cho con? Mức cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn?

Nội dung chính

     

    Trường hợp con đang học đại học thì bố mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng khi ly hôn không?

    Tôi hiện là sinh viên đại học năm 2, gần đây do đời sống gia đình nhiều mâu thuẫn bố mẹ tôi đã quyết định ly hôn. Cho hỏi tôi còn học đại học chưa có thu nhập thì khi ly hôn tôi ở với mẹ, bố tôi có nghĩa vụ cấp dưỡng cho tôi đến khi học xong không?

    Trả lời: Khi ly hôn thì cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

    Theo Điều 110 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 thì: Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

    Như vậy, theo quy định này thì việc cấp dưỡng chỉ đặt ra đối với người dưới 18 tuổi hoặc người trên 18 tuổi nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản. Mặc dù bạn đang đi học đại học nhưng trên thực tế đã có thể tham gia vào các quan hệ lao động để tạo ra thu nhập cho bản thân mình. Nên theo quy định trên thì việc cấp dưỡng ở thời điểm hiện tại sẽ không mang tính bắt buộc nữa. Do đó, việc cấp dưỡng này sẽ do bố mẹ bạn thỏa thuận với nhau để nuôi con, tạo điều kiện cho bạn học tập không bị gián đoạn, pháp luật không ràng buộc nghĩa vụ này đối với bố bạn.

    Trường hợp con đang học đại học thì bố mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng khi ly hôn không?(Hình ảnh Internet)

    Có được chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng cho con?

    Tôi và vợ đã ly hôn mười mấy năm nay và tôi đều chu cấp đầy đủ cho con, nay con tôi đã 22 tuổi, đi làm và có thu nhập. Tôi có được chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng không?

    Trả lời: Cấp dưỡng là việc một người theo quy định của pháp luật có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình và có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) hoặc là người đã thành niên (đủ 18 tuổi) mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu.

    Điều 118 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 quy định:

    Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

    1. Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;

    2. Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;

    3. Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;

    4. Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;

    5. Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;

    6. Trường hợp khác theo quy định của luật.

    Như vậy, theo quy định này đối với trường hợp của bạn vì con bạn đã thành niên và có khả năng lao động, có thu nhập nên bạn không còn trách nhiệm cấp dưỡng nữa. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

    Mức cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn

    Tôi và chồng mới vừa ly hôn, tôi là người được nuôi con và tôi muốn hỏi mọi người một câu là: Chồng cũ của tôi có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con của tôi hay không? Nếu có thì tôi muốn anh ấy cấp dưỡng cho con của chúng tôi số tiền là 3.000.000 đồng/tháng có được không? Mong sớm nhận được sự phản hồi. Xin chân thành cảm ơn!

    Trả lời: Về vấn đề này thì tại Khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định như sau:

    Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
    ...

    2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

    Theo quy định này thì sau khi ly hôn, do bạn là người được quyền trực tiếp nuôi con nên chồng cũ của bạn có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con chung của hai bạn.

    Về mức cấp dưỡng thì tại Khoản 1 Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định như sau:

    Mức cấp dưỡng
    1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết."

    Như vậy theo quy định này thì mức cấp dưỡng cho con của bạn sẽ do hai bạn thỏa thuận trên cơ sở thu nhập, khả năng thực tế của chồng cũ và nhu cầu thiết yếu của con nữa bạn nhé. Khi nào hai bạn không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giải quyết. Vì vậy, việc bạn yêu cầu chồng cũ cấp dưỡng 3.000.000 đồng/tháng còn phải xem xét đến những yếu tố như phân tích ở trên và việc hai bạn thỏa thuận nữa bạn nhé.

    1