Trường hợp con đã thành niên thì có thể chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng không?
Nội dung chính
Trường hợp con đã thành niên thì có thể chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng không?
Tôi và vợ đã ly dị 10 năm. Con tôi ở cùng với mẹ. Trong 10 năm nay tháng nào tôi cũng gửi trợ cấp cho con tôi. Hiện nay con tôi đã tốt nghiệp đại học và cũng đã có việc làm ổn định rồi. Vậy Ban tư vấn cho tôi hỏi bây giờ tôi có thể chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng cho con không? Mong Ban tư vấn giải đáp giúp tôi vấn đề trên trong thời gian sớm nhất. Chân thành cảm ơn!
Trả lời: Theo quy định tại Điều 118 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì:
Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;
2. Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
3. Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;
4. Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;
5. Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;
6. Trường hợp khác theo quy định của luật.
==> Bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng hàng tháng cho con sau khi ly hôn. Con bạn hiện tại đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định. Đối với trường hợp này thì bạn có thể chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng cho con bạn vì con bạn đã thành niên và có khả năng lao động.
Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Trường hợp con đã thành niên thì có thể chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng không?(Hình ảnh Internet)
Có quyền thay đổi mức cấp dưỡng do khó khăn về kinh tế
Năm 2021, tôi và vợ ly hôn và Tòa án buộc tôi có trách nhiệm cấp dưỡng cho con 5 tuổi là 3 triệu/tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại tôi gặp khó khăn về kinh tế, làm ăn thua lỗ đang nợ ngân hàng. Tôi có thể làm đơn xin giảm mức cấp dưỡng không?
Trả lời: Khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Theo Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì mức cấp dưỡng được xác định như sau:
1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Khoản 2 Điều 117 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng có quy định: Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Như vậy, theo quy định trên thì mức cấp dưỡng có thể thay đổi nếu có lý do chính đáng. Ở đây bạn có khó khăn về kinh tế, đang nợ ngân hàng thì có thể xem là có lý do chính đáng nên bạn có thể thỏa thuận lại với vợ cũ, nếu bên kia không đồng ý thì bạn yêu cầu Tòa án giải quyết.
05 trường hợp chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng
Tôi có tìm hiểu về pháp luật hôn nhân gia đình và có thắc mắc muốn nhờ mọi người giải đáp. Cụ thể, cho tôi hỏi: Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong những trường hợp nào? Mong sớm nhận được sự phản hồi. Xin cảm ơn!
Trả lời: Theo quy định hiện hành của pháp luật thì nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Lưu ý: Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
Bên cạnh đó, tại Điều 118 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định về các trường hợp chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng bao gồm:
- Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;
- Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
- Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;
- Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;
- Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;
- Trường hợp khác theo quy định của luật.