Trong việc đo đạc lập bản đồ địa chính thì Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm gì?
Nội dung chính
Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm gì trong việc đo đạc lập bản đồ địa chính?
Căn cứ khoản 3, 6, 7 Điều 9 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì trách nhiệm thực hiện việc đo đạc lập bản đồ địa chính được quy định như sau:
(1) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các nội dung sau:
- Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 50 của Luật Đất đai 2024;
- Chỉ đạo thực hiện và tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đo đạc lập bản đồ địa chính trên địa bàn;
- Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về đo đạc lập bản đồ địa chính trên địa bàn;
- Bố trí kinh phí cho các hoạt động đo đạc lập bản đồ địa chính của địa phương trong dự toán ngân sách địa phương hằng năm theo quy định của pháp luật về ngân sách.
(2) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện các nội dung sau:
- Báo cáo, đề xuất cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh về việc đo đạc lập bản đồ địa chính và việc quản lý, sử dụng, chỉnh lý biến động, kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm bản đồ địa chính tại địa phương;
- Phối hợp với cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh trong việc thực hiện kiểm tra, giám sát việc đo đạc lập bản đồ địa chính và quản lý, sử dụng, chỉnh lý biến động bản đồ địa chính tại địa phương;
- Chỉ đạo cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện trách nhiệm theo phân cấp trong việc đo đạc lập bản đồ địa chính; quản lý, sử dụng, chỉnh lý biến động, kiểm tra nghiệm thu sản phẩm bản đồ địa chính tại địa phương.
(3) Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp, hỗ trợ đơn vị đo đạc và đơn vị giám sát, kiểm tra, nghiệm thu trong quá trình thực hiện theo thiết kế kỹ thuật - dự toán hoặc phương án nhiệm vụ đo đạc lập bản đồ địa chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện tình hình đo đạc lập bản đồ địa chính và việc quản lý, sử dụng, biến động bản đồ địa chính tại địa phương; ký xác nhận bản đồ địa chính, mảnh trích đo bản đồ địa chính theo quy định; quản lý, bảo vệ điểm địa chính trên địa bàn.
Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm gì trong việc đo đạc lập bản đồ địa chính? (Ảnh từ internet)
Quản lý bản đồ địa chính được quy định như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 8 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì việc quản lý bản đồ địa chính được quy định như sau:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý bản đồ địa chính số;
- Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý bản đồ địa chính số và giấy. Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh giao Văn phòng đăng ký đất đai quản lý, sử dụng tập trung, thống nhất và cập nhật, chỉnh lý biến động bản đồ địa chính;
- Bản đồ địa chính phải đưa vào lưu trữ theo pháp luật về lưu trữ.
Sử dụng, khai thác bản đồ địa chính được quy định như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 8 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì việc sử dụng, khai thác bản đồ địa chính được quy định như sau:
- Bản đồ địa chính, trích đo bản đồ địa chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải được đưa vào sử dụng cho các mục đích quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị định 101/2024/NĐ-CP thay thế cho bản đồ địa chính, trích đo bản đồ địa chính đã lập trước đó. Bản đồ địa chính, trích đo bản đồ địa chính đã lập trước đó có giá trị sử dụng khi giải quyết các nội dung theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 của Nghị định 101/2024/NĐ-CP;
- Đối với những nơi đã có bản đồ địa chính, trích đo bản đồ địa chính khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng thông tin liên quan đến thửa đất thì cơ quan quản lý bản đồ địa chính quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thực hiện trích lục bản đồ địa chính, trích lục trích đo bản đồ địa chính;
- Việc khai thác bản đồ địa chính được thực hiện theo quy định về khai thác hồ sơ địa chính và khai thác hệ thống thông tin đất đai.
Thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính như thế nào?
Căn cứ Điều 50 Luật Đất đai 2024 quy định:
Đo đạc lập bản đồ địa chính
1. Bản đồ địa chính là cơ sở để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Việc đo đạc lập bản đồ địa chính được thực hiện chi tiết đến từng thửa đất theo đơn vị hành chính cấp xã; nơi không thành lập đơn vị hành chính cấp xã thì được lập theo đơn vị hành chính cấp huyện.
2. Bản đồ địa chính phải được chỉnh lý khi có sự thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích thửa đất và các yếu tố khác có liên quan đến nội dung bản đồ địa chính và đồng thời được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đo đạc lập, chỉnh lý, quản lý bản đồ địa chính ở địa phương và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, việc thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện phải được tiến hành chi tiết đến từng thửa đất theo đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nếu không có đơn vi hành chính cấp xã.
Khi có sự thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích thửa đất và các yếu tố khác có liên quan đến nội dung bản đồ địa chính thì phải chỉnh lý bản đồ địa chính và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.