Trình tự, thủ tục thu hồi nhà ở thuộc tài sản công được thực hiện như thế nào?

Trình tự, thủ tục thu hồi nhà ở thuộc tài sản công được thực hiện như thế nào? Quyết định thu hồi nhà ở thuộc tài sản công có những nội dung?

Nội dung chính

    Nhà ở cho thuê thuộc tài sản công, trong trường hợp phải phá dỡ hoặc không bảo đảm an toàn, có bị thu hồi không?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 127 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:

    Các trường hợp thu hồi, cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc tài sản công
    1. Việc thu hồi nhà ở thuộc tài sản công được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
    ...
    g) Nhà ở cho thuê, cho thuê mua thuộc trường hợp phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà ở thuộc trường hợp không bảo đảm an toàn trong sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
    h) Bên thuê, bên thuê mua sử dụng nhà ở không đúng mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê, thuê mua nhà ở hoặc tự ý chuyển đổi, bán, cho thuê lại, cho mượn nhà ở hoặc tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê, thuê mua;
    i) Bên thuê nhà ở công vụ được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại địa phương khác;
    k) Chiếm dụng nhà ở trái pháp luật.

    Theo như quy định trên thì nhà ở cho thuê thuộc tài sản công sẽ bị thu hồi trong các trường hợp phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc khi nhà ở không bảo đảm an toàn trong sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

    Trình tự, thủ tục thu hồi nhà ở thuộc tài sản công được thực hiện như thế nào?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 78 Nghị định 95/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    (1) Phát hiện nhà ở thuộc diện thu hồi:

    Trong vòng 15 ngày từ khi phát hiện trường hợp nhà ở cần thu hồi (theo Điều 127 Luật Nhà ở 2023) hoặc có kết luận kiểm định phải phá dỡ, đơn vị quản lý vận hành phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu về việc đề nghị thu hồi.

    (2) Kiểm tra và đề xuất thu hồi:

    Trong vòng 15 ngày từ khi nhận được báo cáo của đơn vị quản lý vận hành, cơ quan quản lý nhà ở kiểm tra và gửi tờ trình đến đại diện chủ sở hữu nếu đủ điều kiện thu hồi.

    (3) Ban hành quyết định thu hồi:

    Trong vòng 15 ngày, đại diện chủ sở hữu kiểm tra và ban hành quyết định thu hồi nếu đủ điều kiện, đồng thời thông báo đến các bên liên quan.

    Đối với nhà ở do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, các cơ quan này có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi và gửi thông báo đến đại diện chủ sở hữu.

    (4) Thông báo cho người đang sử dụng nhà ở:

    Trong vòng 15 ngày sau khi có quyết định thu hồi, đơn vị quản lý vận hành thông báo và yêu cầu người đang sử dụng bàn giao nhà ở. Việc bàn giao phải lập biên bản có chữ ký của các bên. Nếu không ký biên bản, đơn vị quản lý vận hành mời đại diện UBND cấp xã chứng kiến và ký biên bản.

    (5) Chấm dứt hợp đồng và hoàn tiền (nếu có):

    Trong vòng 5 ngày sau khi nhận quyết định thu hồi, đơn vị quản lý vận hành thông báo về việc chấm dứt hợp đồng thuê, thuê mua hoặc mua nhà ở.

    Trường hợp thu hồi nhà ở do bán sai quy định, bên mua sẽ được hoàn trả tiền (trừ trường hợp sử dụng giấy tờ giả).

    (6) Báo cáo và đề xuất phương án sử dụng nhà ở sau thu hồi:

    Sau khi thu hồi, đơn vị quản lý vận hành báo cáo cơ quan quản lý nhà ở về việc thu hồi và đề xuất phương án quản lý, sử dụng hoặc phá dỡ để xây dựng lại, trình đại diện chủ sở hữu quyết định theo quy định pháp luật.

    Trình tự, thủ tục thu hồi nhà ở thuộc tài sản công được thực hiện như thế nào?Trình tự, thủ tục thu hồi nhà ở thuộc tài sản công được thực hiện như thế nào? (Hình ảnh từ Internet)

    Quyết định thu hồi nhà ở thuộc tài sản công có những nội dung nào?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 80 Nghị định 95/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Nội dung quyết định thu hồi, quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc tài sản công
    1. Quyết định thu hồi, quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc tài sản công có các nội dung sau đây:
    a) Căn cứ pháp lý để thực hiện thu hồi hoặc cưỡng chế thu hồi nhà ở; lý do thu hồi nhà ở, cưỡng chế thu hồi nhà ở;
    b) Địa chỉ nhà ở và họ tên người đang trực tiếp sử dụng nhà ở bị thu hồi hoặc cưỡng chế thu hồi. Đối với trường hợp thu hồi nhà ở do thuộc diện không còn bảo đảm an toàn trong sử dụng phải phá dỡ (trừ trường hợp thu hồi căn hộ nhà chung cư) thì phải có nội dung về bố trí nhà ở tại địa điểm khác cho người đang trực tiếp sử dụng nhà ở đó.
    Đối với nhà chung cư thuộc diện phá dỡ, xây dựng lại thì trong nội dung quyết định thu hồi phải ghi rõ việc bố trí chỗ ở tạm thời, việc tái định cư được thực hiện theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
    c) Tên cơ quan, đơn vị thực hiện thu hồi nhà ở hoặc cưỡng chế thu hồi nhà ở; trách nhiệm bàn giao nhà ở, tiếp nhận bàn giao nhà ở;
    d) Thời hạn thực hiện thu hồi hoặc cưỡng chế thu hồi nhà ở;
    đ) Kinh phí thực hiện thu hồi hoặc cưỡng chế thu hồi nhà ở;
    e) Phương án quản lý, sử dụng nhà ở sau khi thu hồi hoặc cưỡng chế thu hồi.

    Quyết định thu hồi hoặc cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc tài sản công cần có các nội dung chính như sau:

    - Căn cứ pháp lý và lý do thu hồi;

    - Địa chỉ nhà ở và thông tin người sử dụng nhà bị thu hồi;

    - Việc bố trí lại nhà ở cho người sử dụng (nếu có);

    - Tên cơ quan thực hiện thu hồi, trách nhiệm bàn giao;

    - Thời hạn thực hiện thu hồi;

    - Kinh phí thực hiện thu hồi;

    - Phương án quản lý, sử dụng nhà ở sau khi thu hồi.

    Chuyên viên pháp lý Đào Thị Mỹ Hồng
    117
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ