Trên Sổ đỏ có mục nào ghi rõ quyền sử dụng đất là tài sản chung vợ, chồng không?
Nội dung chính
Làm sao xác định quyền sử dụng đất là tài sản chung, riêng của vợ chồng?
Trong thời kỳ hôn nhân, hai vợ chồng có thể có tài sản chung và tài sản riêng. Trong đó, tài sản chung của vợ, chồng là tài sản do vợ, chồng tạo ra; thu nhập hợp pháp của vợ, chồng; được thừa kế chung hoặc tặng cho chung… trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Còn tài sản riêng vợ, chồng được quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Cụ thể, tài sản riêng gồm:
- Tài sản mỗi người có trước khi kết hôn.
- Tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hô nhân; được chia riêng khi chia tài sản chung của vợ, chồng…
Có thể thấy, việc chứng minh tài sản chung, tài sản riêng vợ chồng dựa vào thời điểm hình thành tài sản, nguồn gốc hình thành của tài sản đó cũng như thỏa thuận của vợ, chồng về việc quản lý, định đoạt tài sản vợ, chồng.
Do đó, để xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng, cần phải xác định được các yếu tố nêu trên để chứng minh đó là tài sản chung hay tài sản riêng vợ, chồng. Đặc biệt, cần phải có đầy đủ bằng chứng, giấy tờ về tài sản đó.
Trên Sổ đỏ có mục nào ghi rõ quyền sử dụng đất là tài sản chung vợ, chồng không? (Hình từ Internet)
Trên Sổ đỏ có mục nào ghi rõ quyền sử dụng đất là tài sản chung vợ, chồng không?
Khoản 4 Điều 135 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người để đứng tên làm đại diện cho vợ và chồng.
Những nội dung trên Sổ đỏ (từ thường gọi của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất) được quy định cụ thể tại Thông tư 10/2024/TT-BTNMT.
Trong đó, với tài sản chung của vợ, chồng là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất sẽ được thể hiện như sau:
Đối với vợ và chồng có chung tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì thể hiện các thông tin: “Bà” hoặc “Ông”, họ và tên, tên và số giấy tờ nhân thân của vợ hoặc chồng và thể hiện: “và chồng (hoặc vợ):... (thể hiện thông tin của chồng (hoặc vợ))”. Trường hợp có thoả thuận của vợ và chồng đồng ý ghi tên vợ hoặc tên chồng là đại diện đứng tên trên Giấy chứng nhận thì thể hiện: “Bà” hoặc “Ông”, họ và tên, tên và số giấy tờ nhân thân, tiếp theo thể hiện: “là đại diện cho vợ và chồng”.
- Sổ đỏ đã cấp có sự thay đổi thông tin thì sẽ được xác nhận như sau: Khi vợ, chồng nhập tài sản riêng của mình vào tài sản chung thì sẽ ghi theo khoản 10 Điều 13 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT:
Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng chuyển thành của chung vợ và chồng thì thể hiện thông tin: “Bà” hoặc “Ông”, họ và tên, ngày tháng năm sinh của vợ hoặc chồng, tiếp theo thể hiện: “và chồng (hoặc vợ): ... (thể hiện tên của chồng (hoặc vợ))” sử dụng chung thửa đất (hoặc sử dụng chung thửa đất và sở hữu chung tài sản gắn liền với đất hoặc sở hữu chung tài sản gắn liền với đất), theo hồ sơ số ... (ghi mã hồ sơ thủ tục đăng ký).
Trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của chung vợ và chồng chuyển thành của vợ hoặc của chồng thì thể hiện: “Thửa đất (hoặc thửa đất và tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất) thuộc quyền sử dụng (hoặc quyền sở hữu) của “Bà” hoặc “Ông”, họ và tên, ngày tháng năm sinh, theo hồ sơ số ... (ghi mã hồ sơ thủ tục đăng ký).
Có thể thấy, trường hợp thông thường nhất, nếu đây là tài sản chung vợ, chồng thì Sổ đỏ thường sẽ ghi tên cả hai vợ, chồng mà không có nội dung thể hiện đây là tài sản chung hay tài sản riêng. Tuy nhiên, nếu Sổ đỏ chỉ ghi tên một người thì người còn lại cần phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh đây là tài sản riêng.
Bởi nếu không chứng minh được thì theo khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, không có căn cứ để chứng minh đây là tài sản riêng của mỗi bên thì nó sẽ được coi là tài sản chung.
Như vậy, trên Sổ đỏ không có mục nào ghi cụ thể đây là tài sản chung hay tài sản riêng vợ, chồng trừ trường hợp nếu vợ, chồng nhập tài sản riêng của mình vào tài sản chung thì sẽ được ghi chú điều này trong Sổ đỏ.
Chia quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn
* Nếu quyền sử dụng đất là tài sản riêng của vợ chồng:
Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc về bên đó.
* Nếu quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng:
Việc chia quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được thực hiện như sau:
- Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì được chia theo thỏa thuận của hai bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Trong trường hợp chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng;
- Trong trường hợp vợ chồng có quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản chung với hộ gia đình thì khi ly hôn phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia theo quy định tại điểm a khoản này;
- Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở thì được chia theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
- Đối với loại đất khác thì được chia theo quy định của pháp luật về đất đai.