Toàn bộ 34 bí thư tỉnh thành mới sau sáp nhập do Bộ Chính trị, ban bí thư chỉ định có đúng không?

Toàn bộ 34 bí thư tỉnh sau sáp nhập do Bộ Chính trị, ban bí thư chỉ định có đúng không? Bí thư tỉnh ủy do ai bầu?

Nội dung chính

Toàn bộ 34 bí thư tỉnh thành mới sau sáp nhập do Bộ Chính trị, ban bí thư chỉ định có đúng không?

Ngày 23/4/2025, Ban Tổ chức Ban Chấp hành Trung ương ban hành Hướng dẫn 31-HD/BTCTW năm 2025 thành lập tổ chức đảng tương ứng các đơn vị hành chính ở địa phương và sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể cấp tỉnh, cấp xã.

Theo đó, tại tiểu mục 1 Mục 1 Hướng dẫn 31-HD/BTCTW năm 2025 đối với việc thành lập đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (mới) sau hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thực hiện như sau:

I. VỀ VIỆC THÀNH LẬP TỔ CHỨC ĐẢNG
1. Đối với việc thành lập đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (mới) sau hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh
(1) Tỉnh, thành ủy nơi được xác định là trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau hợp nhất chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh ủy, thành ủy (đã được Ban Chấp hành Trung ương đồng ý chủ trương sáp nhập)[1] xây dựng Đề án thành lập đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hợp nhất, sáp nhập các đảng bộ cấp tỉnh trước khi sắp xếp (Lưu ý: Nội dung của đề án cần bám sát Điều lệ Đảng, các quan điểm, nguyên tắc, chỉ đạo của Trung ương, rõ về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cơ quan tham mưu giúp việc, các tổ chức đảng, đơn vị sự nghiệp trực thuộc …, quy trình thực hiện xây dựng đề án bảo đảm nguyên tắc, quy định); hoàn thành Đề án và gửi về Ban Tổ chức Trung ương trước ngày 15/6/2025.
...
(3) Ban Tổ chức Trung ương thẩm định đề án của các tỉnh, thành ủy; tham mưu, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định thành lập đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, thời gian hoàn thành đồng bộ với việc hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh (chậm nhất trước ngày 15/9/2025).
...

Như vậy, theo hướng dẫn, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ định bí thư tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, thời gian hoàn thành đồng bộ với việc hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh (chậm nhất trước ngày 15/9/2025).

Bên cạnh đó, ngày 04/5/2025, Văn phòng Trung ương Đảng đã ban hành Công văn 14697-CV/VPTW năm 2025 về việc kết luận phiên họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 03/5/2025 về tình hình, tiến độ thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Tại phiên họp ngày 03/5/2025, trên cơ sở báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương về tình hình, tiến độ triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khoá XIII (Báo cáo số 382-BC/BTCTW năm 2025), Bộ Chính trị, Ban Bí thư có ý kiến như sau:

Giao Ban Tổ chức Trung ương tham mưu Bộ Chính trị thông báo danh sách các đồng chí chủ trì theo Kết luận số 150-KL/TW năm 2025, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị làm cơ sở để các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư được phân công chỉ đạo triển khai, tham mưu đồng chí Thường trực Ban Bí thư chủ trì làm việc với thường trực các tỉnh uỷ, thành uỷ để thông báo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về dự kiến nhân sự chủ chốt các địa phương.

Theo đó, Thường trực Ban Bí thư sẽ chủ trì làm việc với thường trực các tỉnh thành để thông báo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về dự kiến nhân sự chủ chốt các địa phương.

Toàn bộ 34 bí thư tỉnh thành mới sau sáp nhập do Bộ Chính trị, ban bí thư chỉ định có đúng không? (Hình ảnh từ Internet)

Bí thư tỉnh ủy do ai bầu?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 8 Quy định 80-QĐ/TW năm 2022 quy định như sau:

Điều 8. Trách nhiệm và quyền hạn của các cấp uỷ trực thuộc Trung ương
1. Các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương
1.1. Ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố
- Chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách, quy chế, quy định, quyết định của Trung ương về công tác cán bộ và cán bộ tại địa phương.
- Trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nhân sự tại chỗ ứng cử các chức danh bí thư, phó bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch uỷ ban nhân dân; nhân sự chỉ định bổ sung uỷ viên ban chấp hành, giới thiệu bầu uỷ viên ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ.
- Trên cơ sở quy định của Trung ương, quyết định số lượng uỷ viên ban thường vụ, uỷ viên uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ, thành uỷ; điều chỉnh cơ cấu cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ ngoài cơ cấu cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ được xác định theo quy định của Bộ Chính trị.
- Bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ; bầu uỷ ban kiểm tra (uỷ viên uỷ ban kiểm tra), chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ, thành uỷ.
...

Như vậy, Bí thư tỉnh ủy trực thuộc Trung ương do Ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố bầu.

Tiêu chuẩn cụ thể chức danh Bí thư tỉnh uỷ được quy định ra sao?

Theo tại tiểu mục 2 Mục 1 Quy định 214-QĐ/TW năm 2020 quy định về tiêu chuẩn cụ thể chức danh Bí thư tỉnh uỷ như sau:

- Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương;

- Cần có những phẩm chất, năng lực: Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ, có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong ban chấp hành, ban thường vụ và đảng bộ, không cục bộ địa phương và lợi ích nhóm.

- Có trình độ, kiến thức toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, … và nắm chắc tình hình chung của địa phương và của đất nước.

- Có quyết tâm chính trị cao, quyết đoán, quyết liệt để quyết định xử lý những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến địa phương.

- Am hiểu sâu rộng về công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng và hoạt động của hệ thống chính trị.

- Có năng lực cụ thể hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào việc hoạch định chiến lược xây dựng, phát triển và lãnh đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả ở địa phương.

- Có năng lực chỉ đạo tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, phát hiện và đề xuất với Trung ương những chủ trương, cơ chế, chính sách và giải quyết những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn địa phương.

- Đã kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp huyện (bí thư, phó bí thư cấp uỷ cấp huyện, chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện) và kinh qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ phó bí thư cấp uỷ cấp tỉnh hoặc tương đương.

Chuyên viên pháp lý Đặng Trần Trà My
saved-content
unsaved-content
3031