Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất là gì? Cơ quan nào có thẩm quyền thực hiện đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất?

Đến đâu để đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất? Trường hợp đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất nào là đăng ký mới?

Nội dung chính

    Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất là gì?

    Căn cứ khoản 15 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định thì đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất là việc người sử dụng đất, người sở hữu tài sản gắn liền với đất, người được giao quản lý đất kê khai quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được ghi nhận theo quy định.

    Theo đó việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất là một quy trình quan trọng, góp phần xác lập và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, đồng thời tạo ra sự minh bạch, rõ ràng trong quản lý và sử dụng đất đai, tài sản.

    Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất là gì? (ảnh từ internet)

    Nguyên tắc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất được quy định như thế nào?

    Căn cứ Điều 131 Luật Đất đai 2024 quy định thì nguyên tắc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất được quy định như sau:

    - Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý.

    - Tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng được đăng ký theo yêu cầu của chủ sở hữu.

    - Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất bao gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.

    - Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người được giao đất để quản lý đã kê khai đăng ký được ghi vào hồ sơ địa chính và được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nếu đủ điều kiện theo quy định của Luật này.

    - Chính phủ quy định chi tiết việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất.

    Đăng ký lần đầu đối với đất đai, tài sản gắn liền với đất được thực hiện trong trường hợp nào?

    Căn cứ khoản 1 Điều 132 Luật Đất đai 2024 quy định đăng ký lần đầu đối với đất đai, tài sản gắn liền với đất được thực hiện trong trường hợp sau:

    - Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký

    - Thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê để sử dụng

    - Thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký

    - Tài sản gắn liền với đất mà có nhu cầu đăng ký đồng thời với: Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký; Thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê để sử dụng; Thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký;

    Cơ quan nào có thẩm quyền thực hiện đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất?

    Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 13 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Văn phòng đăng ký đất đai

    ...

    2. Nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai
    a) Thực hiện đăng ký đất đai đối với đất được Nhà nước giao quản lý, đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
    b) Thực hiện đăng ký biến động đối với đất được Nhà nước giao quản lý, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
    c) Thực hiện đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính, trích lục bản đồ địa chính; cấp, đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận, hủy kết quả đăng ký biến động trên giấy chứng nhận;
    d) Kiểm tra mảnh trích đo bản đồ địa chính thửa đất; kiểm tra, xác nhận sơ đồ tài sản gắn liền với đất do tổ chức, cá nhân cung cấp phục vụ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận;
    đ) Lập, chỉnh lý, cập nhật, lưu trữ và quản lý hồ sơ địa chính; tiếp nhận, quản lý việc sử dụng mẫu Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật;
    e) Cập nhật, chỉnh lý, đồng bộ hóa, khai thác dữ liệu đất đai; xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin đất đai theo quy định của pháp luật;
    g) Thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất;

    Như vậy, Văn phòng đăng ký đất đai có thẩm quyền thực hiện đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất

    22