11:52 - 21/11/2024

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác phòng chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác phòng chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh

Nội dung chính

    Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác phòng chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh

    Ngày 19/11/2024, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký thay Công điện 118/CĐ-TTg của Thủ tướng Chí phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh.

    Công điện 118/CĐ-TTg được ban hành sau thực trạng xảy ra vụ đuối nước nghiêm trọng tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ vào ngày 18/11/2024 khiến cho 02 em học sinh tử vong và hiện còn 04 em học sinh mất tích.

    Trước tình hình đó, để sớm khắc phục hậu quả và chủ động phòng ngừa tai nạn đuối nước đối với trẻ em, học sinh xảy ra tại tỉnh Phú Thọ nói riêng và trên địa bàn cả nước nói chung, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu:

    (1) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khẩn trương chỉ đạo các lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm các em học sinh còn mất tích; hỗ trợ, thăm hỏi, động viên gia đình học sinh gặp nạn.

    (2) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

    - Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức liên quan, phối hợp chặt chẽ với đoàn thanh niên, hội phụ nữ trong công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn và phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh.

    - Chỉ đạo, thực hiện rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm (hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm, công trình chứa nước...) có nguy cơ gây tai nạn đuối nước tại địa bàn; triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục (như làm rào chắn, biển cảnh báo; cảnh giới, nhắc nhở...).

    - Chỉ đạo tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức dạy bơi trong các cơ sở giáo dục; tăng cường truyền thông về trách nhiệm, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho cha mẹ, trẻ em, học sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh xã, phường.

    - Kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, học sinh của các cơ sở giáo dục, các cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước tại địa phương.

    Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác phòng chống đuối nước đối với trẻ em, học sinhThủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác phòng chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh (Hình từ Internet)

    Có mấy cấp độ trong yêu cầu bảo vệ trẻ em? Bảo vệ trẻ em cấp độ phòng ngừa bao gồm những biện pháp nào?

    Khoản 1 Điều 47 Luật trẻ em 2016 quy định:

    Các yêu cầu bảo vệ trẻ em
    1. Bảo vệ trẻ em được thực hiện theo ba cấp độ sau đây:
    a) Phòng ngừa;
    b) Hỗ trợ;
    c) Can thiệp.
    ...

    Như vậy, có 03 cấp độ trong yêu cầu bảo vệ trẻ em là: Phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.

    Đối với cấp độ phòng ngừa, khoản 2 Điều 48 Luật trẻ em 2016 quy định:

    Cấp độ phòng ngừa
    ...
    Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ phòng ngừa bao gồm:
    a) Tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng, gia đình, trẻ em về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em; về trách nhiệm phát hiện, thông báo trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;
    b) Cung cấp thông tin, trang bị kiến thức cho cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc trong cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em về trách nhiệm bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em;
    c) Trang bị kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ để bảo đảm trẻ em được an toàn;
    d) Giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em;
    đ) Xây dựng môi trường sống an toàn và phù hợp với trẻ em.

    Như vậy, có 05 biện pháp bảo vệ trẻ em ở cấp độ phòng ngừa theo quy định trên.

    11