Thời kỳ quy hoạch sử dụng đất quốc gia là bao lâu?
Nội dung chính
Thời kỳ quy hoạch sử dụng đất quốc gia là bao lâu?
Khoản 1 Điều 62 Luật Đất đai 2024 quy định:
Thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
1. Thời kỳ, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và quy hoạch sử dụng đất an ninh thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch.
...
Dẫn chiếu đến Điều 8 Luật Quy hoạch 2017 có quy định về thời kỳ quy hoạch như sau:
Thời kỳ quy hoạch
1. Thời kỳ quy hoạch là khoảng thời gian được xác định để làm cơ sở dự báo, tính toán các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho việc lập quy hoạch.
2. Thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là 10 năm. Tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm. Tầm nhìn của quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh là từ 20 năm đến 30 năm.
Căn cứ quy định trên, do quy hoạch sử dụng đất quốc gia thuộc quy hoạch cấp quốc gia. Vì vậy, thời kỳ quy hoạch của quy hoạch sử dụng đất quốc gia là 10 năm, tầm nhìn từ 30 năm đến 50 năm.
Thời kỳ quy hoạch sử dụng đất quốc gia là bao lâu? (Hình từ Internet)
Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được lập trên những căn cứ nào?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2024, quy hoạch sử dụng đất quốc gia được lập trên các căn cứ như sau:
- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; quy hoạch tổng thể quốc gia; chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực;
- Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội;
- Hiện trạng sử dụng đất, biến động đất đai, chất lượng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia kỳ trước;
- Nhu cầu, khả năng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương;
- Tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất.
Quy hoạch sử dụng đất quốc gia gồm những nội dung gì?
Khoản 2 Điều 64 Luật Đất đai 2024 quy định:
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia
...
2. Nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
...
Khoản 2 Điều 24 Luật Quy hoạch 2017 quy định về nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Tuy nhiên, khoản này đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 243 Luật Đất đai 2024.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 243 Luật Đất đai 2024, quy hoạch sử dụng đất quốc gia gồm các nội dung chủ yếu như sau:
- Phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực;
- Dự báo xu thế biến động của việc sử dụng đất;
- Xác định các quan điểm và mục tiêu sử dụng đất trong thời kỳ mới;
- Định hướng sử dụng đất quốc gia, vùng kinh tế - xã hội, tầm nhìn sử dụng đất đáp ứng nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu;
- Xác định các chỉ tiêu sử dụng đất đối với nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp; trong đó xác định diện tích một số loại đất gồm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất quốc phòng, đất an ninh;
- Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Việc lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất quốc gia được thực hiện như thế nào?
Khoản 1 Điều 70 Luật Đất đai 2024 quy định:
Lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
1. Việc lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
...
Dẫn chiếu đến Điều 19 Luật Quy hoạch 2017 quy định:
Lấy ý kiến về quy hoạch
1. Cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp của địa phương liên quan và cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, trừ quy hoạch ngành quốc gia thì do cơ quan tổ chức lập quy hoạch lấy ý kiến. Đối với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, cơ quan lập quy hoạch phải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các địa phương liền kề.
2. Việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện bằng hình thức gửi hồ sơ, tài liệu và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.
3. Việc lấy ý kiến cộng đồng về quy hoạch được thực hiện bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch, niêm yết, trưng bày tại nơi công cộng, phát phiếu Điều tra phỏng vấn, tổ chức hội nghị, hội thảo và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
4. Ý kiến đóng góp phải được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch. Cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm công bố, công khai ý kiến đóng góp và việc tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp.
Như vậy, việc lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất quốc gia được thực hiện theo các quy định trên.