Thời điểm có hiệu lực của quyết định giám đốc thẩm vụ án hình sự được quy định thế nào?
Nội dung chính
Thời điểm có hiệu lực của quyết định giám đốc thẩm vụ án hình sự được quy định thế nào?
Như chúng ta đã biết, giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Theo quy định pháp luật, bản chất của Giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử mà là một trình tự tố tụng đặc biệt, nhiệm vụ xét lại các bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật vì phát hiện có vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án nhằm đảm bảo cho vụ án được giải quyết khách quan và chính xác.
Đối tượng được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm là bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật (chưa hoặc đang thi hành) nhưng phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Trường hợp có vi phạm pháp luật trong quá trình xử lý vụ án nhưng vi phạm đó chưa đến mức nghiêm trọng sẽ không được kháng nghị để xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.
Thời điểm có hiệu lực của quyết định giám đốc thẩm vụ án hình sự được quy định tại Khoản 1 Điều 395 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018).Cụ thể:
Quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.
Như vậy, khác với bản án sơ thẩm có thể bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn luật định thì quyết định giám đốc thẩm vụ án hình sự có hiệu lực thi hành ngay từ thời điểm ban hành. Quy định này nhằm đảm bảo khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án ở các giai đoạn trước, giảm đến mức tối đa nhất những hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực tố tụng hình sự nói riêng và trong hoạt động tố tụng nói chung.
Theo đó, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng giám đốc thẩm phải gửi quyết định giám đốc thẩm cho người bị kết án, người đã kháng nghị; Viện kiểm sát cùng cấp; Viện kiểm sát, Tòa án nơi đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị hoặc người đại diện của họ; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án làm việc, học tập.