Thế nào là di sản thừa kế? Nhà đang trả góp có được tính là di sản thừa kế không?

Thế nào là di sản thừa kế? Nhà đang trả góp có được tính là di sản thừa kế không?

Nội dung chính

    Thế nào là nhà đang trả góp?

    "Nhà đang trả góp" thường được hiểu là trường hợp mua nhà mà người mua không thanh toán toàn bộ giá trị của căn nhà ngay từ đầu mà chia nhỏ thành các khoản trả góp trong một khoảng thời gian nhất định, có thể có lãi suất đi kèm. Trong thời gian trả góp, người mua có quyền sử dụng nhà, nhưng quyền sở hữu đầy đủ chỉ được xác lập sau khi họ hoàn tất nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng.

    Việc mua nhà trả góp có thể thực hiện theo 1 trong 2 hình thức sau:

    (1) Mua bán trả chậm, trả dần. Căn cứ vào khoản 1 Điều 167 LuậtNhà ở 2023 quy định như sau:

    Mua bán nhà ở trả chậm, trả dần
    1. Việc mua bán nhà ở trả chậm, trả dần do các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng mua bán nhà ở. Trong thời gian trả chậm, trả dần, bên mua nhà ở được quyền sử dụng nhà ở và có trách nhiệm bảo trì nhà ở đó, trừ trường hợp nhà ở còn trong thời hạn bảo hành theo quy định của Luật này hoặc các bên có thỏa thuận khác.
    2. Bên mua nhà ở trả chậm, trả dần chỉ được thực hiện giao dịch mua bán, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn nhà ở này với người khác sau khi đã thanh toán đủ tiền mua nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
    Trường hợp trong thời hạn trả chậm, trả dần mà bên mua nhà ở là tổ chức bị phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động thì quyền, nghĩa vụ của bên mua nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động.
    Trường hợp trong thời hạn trả chậm, trả dần mà bên mua nhà ở chết thì người thừa kế hợp pháp được thực hiện tiếp quyền, nghĩa vụ của bên mua nhà ở và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận sau khi người thừa kế đã trả đủ tiền mua nhà cho bên bán.
    3. Trường hợp bên mua nhà ở có nhu cầu trả lại nhà ở đã mua trong thời gian trả chậm, trả dần và được bên bán nhà ở đồng ý thì các bên thỏa thuận phương thức trả lại nhà ở và việc thanh toán lại tiền mua nhà ở đó.

    Đây là hình thức mà bên bán và bên mua thỏa thuận với nhau về việc thanh toán dần tiền mua nhà, theo đó các điều khoản được ghi rõ trong hợp đồng. Trong quá trình trả góp, người mua có quyền sử dụng nhà và trách nhiệm bảo trì, trừ khi căn nhà đang trong thời hạn bảo hành hoặc có thỏa thuận khác.

    Trường hợp này, quyền sở hữu đầy đủ chỉ được xác lập sau khi bên mua thanh toán toàn bộ khoản tiền mua theo thỏa thuận.

    Quyền và nghĩa vụ phát sinh khi bên mua không còn khả năng thanh toán hoặc trong trường hợp qua đời: Nếu bên mua là tổ chức và bị phá sản, giải thể thì quyền và nghĩa vụ liên quan đến căn nhà sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật. Nếu bên mua qua đời, người thừa kế có thể tiếp tục quyền và nghĩa vụ này.

    (2) Trả góp qua ngân hàng hoặc bên cho vay

    Trường hợp này xảy ra khi người mua vay tiền từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính để thanh toán tiền mua nhà, sau đó trả góp lại cho bên cho vay (không phải cho bên bán). Điều này thường đi kèm lãi suất và yêu cầu một khoản tiền trả trước (thường gọi là “tiền cọc” hoặc “tiền trả trước”).

    Người mua sẽ sử dụng nhà và trả góp dần cho bên cho vay; quyền sở hữu hoàn toàn sẽ chuyển sang bên mua sau khi thanh toán hết khoản vay.

    Rủi ro: Nếu người mua không thể thanh toán đúng hạn, ngân hàng hoặc tổ chức tài chính có quyền thu hồi căn nhà, tùy theo điều khoản hợp đồng.

    Nhà đang trả góp có được tính là di sản thừa kế không?

    Nhà đang trả góp có được tính là di sản thừa kế không? (Hình ảnh từ Internet)

    Thế nào là di sản thừa kế?

    Theo đó, di sản thừa kế được xác định tại Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 thì di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

    Dựa vào quy định này có thể hiểu di sản thừa kế như sau:

    - Tài sản riêng của người chết có được khi còn sống: Tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của người đó như tài sản riêng vợ chồng, tài sản người đó được tặng cho riêng, được thừa kế riêng…

    - Phần tài sản của người đó nằm trong tài sản chung với người khác: Đây là phàn tài sản của người chết cùng với những đồng sở hữu khác. Có thể kể đến tài sản của người chết trong khối tài sản chung vợ chồng, phần tài sản của người này trong quyền sử dụng đất của hộ gia đình…

    Như vậy, có thể thấy, bất cứ tài sản nào thuộc sở hữu của người chết thì đều được xem là di sản thừa kế. Và nếu người này có để lại di chúc thì di sản sẽ được chia theo di chúc. Nếu không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp… thì di sản sẽ được chia theo pháp luật căn cứ vào hàng thừa kế của người chết.

    Nhà đang trả góp có được tính là di sản thừa kế không?

    Từ những phân tích trên, bất kỳ tài sản nào thuộc sở hữu của một người đều được xem là di sản thừa kế khi người đó qua đời. Do đó, ngay cả khi nhà đang trong quá trình trả góp, nó vẫn được coi là di sản thừa kế.

    Nếu người này để lại di chúc chỉ định ai sẽ nhận căn nhà, người nhận di sản sẽ thực hiện theo ý muốn của người đã khuất. Ngược lại, nếu không có di chúc, thì căn nhà và các tài sản khác sẽ được chia theo quy định của pháp luật.

    Căn cứ vào khoản 2 Điều 167 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:

    Mua bán nhà ở trả chậm, trả dần
    ...
    Trường hợp trong thời hạn trả chậm, trả dần mà bên mua nhà ở chết thì người thừa kế hợp pháp được thực hiện tiếp quyền, nghĩa vụ của bên mua nhà ở và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận sau khi người thừa kế đã trả đủ tiền mua nhà cho bên bán.

    Theo quy định, nếu người mua nhà đang trong giai đoạn trả góp chết, người thừa kế hợp pháp sẽ được tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ của người mua. Họ sẽ nhận được Giấy chứng nhận từ cơ quan nhà nước sau khi đã thanh toán đầy đủ tiền mua nhà cho bên bán.

    Tóm lại, vì nhà đang trả góp được coi là di sản thừa kế, nên khi người mua nhà chết thì người thừa kế hợp pháp phải đảm nhận quyền và nghĩa vụ của người đã khuất liên quan đến việc mua nhà.

    16