Thay đổi tên đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính trong sổ địa chính ghi sao?

Thay đổi tên đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính ghi sao? Nguyên tắc điều chỉnh địa giới hành chính là gì? Khi điều chỉnh có phải lấy ý kiến của Nhân dân không?

Nội dung chính

    Thay đổi tên đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính trong sổ địa chính ghi như thế nào?

    Căn cứ theo khoản 21 Điều 13 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định thể hiện thông tin về biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất cụ thể như sau:

    - Đối với trường hợp thay đổi tên đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thể hiện: “Đổi tên ... (ghi tên đơn vị hành chính trước thay đổi) thành ... (ghi tên mới của đơn vị hành chính)”.

    Ví dụ: Trường hợp thay đổi tên đơn vị hành chính huyện Từ Liêm thành quận Bắc Từ Liêm thì ghi: “Tên huyện thay đổi từ huyện Từ Liêm thành quận Bắc Từ Liêm”.

    Như vậy, đối với trường hợp thay đổi tên đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thể hiện trong sổ địa chính theo như quy định nêu trên.

    Thay đổi tên đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính trong sổ địa chính ghi sao?

    Thay đổi tên đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính trong sổ địa chính ghi sao? (Hình từ Internet)

    Nguyên tắc điều chỉnh địa giới hành chính là gì?

    Căn cứ theo Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 được sửa đổi bổ sung bởi khoản 30 Điều 2 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 và sửa đổi bổ sung bởi điểm b khoản 2 Điều 57 Luật Quy hoạch 2017 quy định nguyên tắc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính như sau:

    - Khuyến khích việc nhập các đơn vị hành chính cùng cấp. Thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

    - Việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính chỉ thực hiện trong các trường hợp cần thiết và phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

    + Phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt;

    + Bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp; phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương;

    + Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

    + Bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương; tạo sự thuận tiện cho Nhân dân;

    + Việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải căn cứ vào tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính quy định tại các khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo.

    - Việc giải thể đơn vị hành chính chỉ thực hiện trong các trường hợp sau đây:

    + Do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương hoặc của quốc gia;

    + Do thay đổi các yếu tố địa lý, địa hình tác động đến sự tồn tại của đơn vị hành chính đó.

    - Chính phủ trình Ủy ban thường vụ, Quốc hội quy định cụ thể tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015.

    Khi điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính có phải lấy ý kiến của Nhân dân không?

    Căn cứ theo Điều 131 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về việc lấy ý kiến Nhân dân địa phương về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cụ thể như sau:

    - Đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải được lấy ý kiến của Nhân dân là cử tri ở đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Việc lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo hình thức phát phiếu lấy ý kiến cử tri.

    - Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính và thực hiện các công việc sau đây:

    + Quyết định thời gian lấy ý kiến, mẫu phiếu lấy ý kiến và các tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến;

    + Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp trong việc lấy ý kiến cử tri; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung lấy ý kiến;

    + Bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức lấy ý kiến cử tri;

    + Công khai kết quả lấy ý kiến cử tri trên trang thông tin điện tử của Chính phủ.

    - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:

    + Tổ chức việc lấy ý kiến cử tri trên địa bàn tỉnh;

    + Phân bổ kinh phí và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn;

    + Hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp dưới trong việc thực hiện lấy ý kiến cử tri;

    + Tổng hợp và lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn tỉnh.

    - Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:

    + Hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện lấy ý kiến cử tri;

    + Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung lấy ý kiến trên địa bàn;

    + Tổng hợp và lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri địa phương.

    - Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:

    + Lập danh sách cử tri trên địa bàn tại thời điểm tổ chức lấy ý kiến;

    + Quyết định việc phát phiếu lấy ý kiến cử tri tại xã, phường, thị trấn phù hợp với đặc điểm khu dân cư trên địa bàn;

    + Tổ chức lấy ý kiến cử tri theo từng thôn, tổ dân phố;

    + Tổng hợp biên bản họp, phiếu lấy ý kiến của cử tri; lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri địa phương.

    - Báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri phải thể hiện tổng số cử tri trên địa bàn, số cử tri tham gia lấy ý kiến, số cử tri đồng ý, số cử tri không đồng ý, các ý kiến khác.

    + Báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn cấp huyện, cấp xã được gửi đến Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp trên;

    + Báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn cấp tỉnh được gửi đến Chính phủ và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

    Như vậy, việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải được lấy ý kiến của Nhân dân là cử tri ở đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính theo như quy định nêu trên.

    Chuyên viên pháp lý Nguyễn Mai Bảo Ngọc
    155
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ