Tách thửa, hợp thửa đất một số trường hợp đặc biệt tại An Giang được quy định thế nào?
Nội dung chính
Tách thửa, hợp thửa đất một số trường hợp đặc biệt tại An Giang được quy định thế nào?
Điều 15 Quy định về hạn mức sử dụng đất; điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh An Giang kèm theo Quyết định 41/2024/QĐ-UBND tỉnh An Giang (sau đây viết là Quy định kèm theo Quyết định 41/2024/QĐ-UBNDtỉnh An Giang) quy định:
Xử lý việc tách thửa, hợp thửa một số trường hợp đặc biệt
1. Tách thửa đất nông nghiệp để chuyển mục đích sang đất ở:
a) Phần diện tích tách thửa để chuyển mục đích sang đất ở phải đáp ứng điều kiện về diện tích tối thiểu, điều kiện về lối đi, điều kiện về kích thước thửa đất theo Quy định này trừ trường hợp không phải đáp ứng điều kiện về kích thước thửa đất theo điểm b khoản này.
b) Trường hợp phần diện tích tách thửa để chuyển mục đích sang đất ở chứa toàn bộ cạnh tiếp giáp đường giao thông công cộng hiện có hoặc có lối đi kết nối với đường giao thông công cộng hiện có của thửa đất thì không phải đáp ứng điều kiện về kích thước thửa đất.
c) Trường hợp phần diện tích chuyển mục đích sang đất ở nằm liền kề phía sau thửa đất ở tiếp giáp với đường giao thông công cộng hiện có hoặc có lối đi kết nối với đường giao thông công cộng hiện có thì phải đảm bảo cùng một chủ sử dụng đất và thực hiện hợp thửa với thửa đất liền kề phía trước.
d) Phần diện tích đất nông nghiệp còn lại không áp dụng điều kiện cụ thể về tách thửa đất.
đ) Phần diện tích đất của người sử dụng đất nằm trong hành lang lộ giới, biên quy hoạch giao thông làm lối đi được tách theo thửa đất ở, không phải chuyển mục đích sang đất ở.
e) Phần diện tích đất ở do được tách thửa, chuyển mục đích và phần diện tích đất nông nghiệp của người sử dụng đất nằm trong hành lang lộ giới, biên quy hoạch giao thông làm lối đi được thể hiện trong cùng một thửa đất.
2. Tách thửa đối với thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất:
a) Khi tách thửa phần diện tích đất ở phải đảm bảo điều kiện cụ thể về tách thửa; phần diện tích đất nông nghiệp được tách theo thửa đất ở không áp dụng điều kiện về diện tích tối thiểu.
b) Không bắt buộc thực hiện tách thửa khi chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất sang đất ở, trừ trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa.
c) Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất để làm lối đi, khi thực hiện việc tách thửa đất hoặc hợp thửa đất thì không phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất để làm lối đi đó.
3. Tách thửa đất để hợp với thửa đất liền kề:
a) Trường hợp thửa đất tách ra có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu thì phải thực hiện đồng thời việc hợp thửa với thửa liền kề.
b) Phần diện tích còn lại phải đáp ứng điều kiện về diện tích tối thiểu, điều kiện về lối đi, điều kiện về kích thước thửa đất theo Quy định này.
Trường hợp sau khi tách thửa đất mà cạnh tiếp giáp đường giao thông công cộng hiện có hoặc cạnh có lối đi của phần diện tích còn lại không đổi thì không phải áp dụng điều kiện về kích thước thửa đất.
4. Trường hợp phần diện tích đất ở nằm ở vị trí cuối của đường giao thông không giao nhau (đường cụt, hẻm cụt) thì không áp dụng điều kiện về kích thước thửa đất cho phần diện tích đất này khi tách thửa.
5. Trường hợp thửa đất nông nghiệp nằm trong hành lang lộ giới, biên quy hoạch giao thông dẫn đến các thửa đất phía trong không có lối đi thì được tách thửa đất nông nghiệp nằm trong hành lang lộ giới, biên quy hoạch giao thông theo thửa đất phía trong để có lối đi mà không phải áp dụng điều kiện về diện tích tối thiểu.
6. Tách thửa đất ở đã có nhà ở trên đất:
a) Trường hợp thửa đất ở có một phần diện tích đã xây dựng nhà ở trước ngày 02/01/2017 (ngày Quyết định số 103/2017/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về các định mức sử dụng đất trên địa bàn tỉnh An Giang có hiệu lực thi hành) mà người sử dụng đất đề nghị tách theo nhà ở và phần diện tích còn lại thì phần diện tích tách theo nhà ở phải đáp ứng điều kiện về lối đi, phần diện tích còn lại phải đáp ứng điều kiện về diện tích tối thiểu, điều kiện về lối đi, điều kiện về kích thước thửa đất.
b) Trường hợp thửa đất ở đã xây dựng nhiều nhà ở mà người sử dụng đất đề nghị tách thành các thửa đất theo nhà ở thì thực hiện tách thửa nếu các thửa đất tách ra đó đảm bảo điều kiện về lối đi.
c) Trường hợp thửa đất ở đã xây dựng nhà ở thuộc khu dân cư xin tách thửa đồng thời với việc hợp thửa để đúng với hiện trạng xây dựng thực tế từng nhà ở (không phát sinh thêm số thửa mới) thì thực hiện tách thửa đồng thời với việc hợp thửa sau khi Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho phù hợp với từng khu dân cư cụ thể.
Như vậy, việc tách thửa đất, hợp thửa đất một số trường hợp đặc biệt tại An Giang như: Tách thửa đất nông nghiệp để chuyển mục đích sang đất ở; Tách thửa đối với thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất; Tách thửa đất để hợp với thửa đất liền kề;... được thực hiện theo quy định trên.
Tách thửa, hợp thửa đất một số trường hợp đặc biệt tại An Giang được quy định thế nào? (Hình từ Internet)
Điều kiện cụ thể để hợp thửa đất tại An Giang là gì?
Điều 14 Quy định kèm theo Quyết định 41/2024/QĐ-UBND tỉnh An Giang quy định:
Điều kiện cụ thể về hợp thửa đất
Trường hợp hợp thửa đất thì ngoài các nguyên tắc, điều kiện chung quy định tại Điều 11 Quy định này còn phải bảo đảm các điều kiện cụ thể sau đây:
1. Việc hợp các thửa đất phải bảo đảm có cùng mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, hình thức trả tiền thuê đất trừ trường hợp hợp toàn bộ hoặc một phần thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất với nhau và trường hợp hợp thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất với thửa đất ở;
2. Trường hợp hợp các thửa đất khác nhau về mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, hình thức trả tiền thuê đất thì phải thực hiện đồng thời với thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, chuyển hình thức trả tiền thuê đất để thống nhất theo một mục đích, một thời hạn sử dụng đất, một hình thức trả tiền thuê đất theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định trên, việc hợp thửa đất ở An Giang ngoài việc phải các ứng các nguyên tắc, điều kiện chung về tách thửa, hợp thửa đất theo Điều 11 Quy định kèm theo Quyết định 41/2024/QĐ-UBND tỉnh An Giang còn phải tuân thủ các 02 điều kiện cụ thể như sau:
- Việc hợp các thửa đất phải bảo đảm có cùng mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, hình thức trả tiền thuê đất trừ trường hợp hợp toàn bộ hoặc một phần thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất với nhau và trường hợp hợp thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất với thửa đất ở;
- Trường hợp hợp các thửa đất khác nhau về mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, hình thức trả tiền thuê đất thì phải thực hiện đồng thời với thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, chuyển hình thức trả tiền thuê đất để thống nhất theo một mục đích, một thời hạn sử dụng đất, một hình thức trả tiền thuê đất theo quy định của pháp luật.
Cần lưu ý rằng, việc hợp thửa đất tại An Giang cũng phải tuân thủ quy định về tách thử đất, hợp thửa đất theo Điều 220 Luật Đất đai 2024.
Trường hợp tách thửa đất nào không áp dụng nguyên tắc, điều kiện tách thửa đất theo Quy định kèm theo Quyết định 41/2024/QĐ-UBND tỉnh An Giang?
Căn cứ khoản 2 Điều 10 Quy định kèm theo Quyết định 41/2024/QĐ-UBND tỉnh An Giang quy định:
Các trường hợp không được tách thửa đất và các trường hợp không áp dụng nguyên tắc, điều kiện tách thửa đất
...
2. Các trường hợp không áp dụng nguyên tắc, điều kiện tách thửa đất
a) Tách thửa đất để thực hiện dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền cho chủ trương thực hiện; để thực hiện dự án sử dụng đất vào mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
b) Thửa đất còn lại sau khi Nhà nước thu hồi đất một phần diện tích; thửa đất còn lại sau khi người sử dụng đất đã tặng cho một phần quyền sử dụng đất cho Nhà nước hoặc cộng đồng dân cư hoặc mở rộng đường giao thông.
c) Tách thửa đất để Nhà nước giao đất cho hộ gia đình, cá nhân thuộc diện chính sách.
Như vậy, theo Quy định kèm theo Quyết định 41/2024/QĐ-UBND tỉnh An Giang có 03 trường hợp không cần áp dụng nguyên tắc, điều kiện tách thửa đất như trên.