Số thứ tự thửa đất và diện tích thửa đất trên bản đồ địa chính được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Số thứ tự thửa đất và diện tích thửa đất trên bản đồ địa chính được quy định như thế nào?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 13 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT quy định số thứ tự thửa đất và diện tích thửa đất cụ thể như sau:
(1) Số thứ tự thửa đất được đánh số hiệu bằng số Ả rập theo thứ tự từ 1 đến hết trên một tờ bản đồ, bắt đầu từ thửa đất cực Bắc của tờ bản đồ, từ trái sang phải, từ trên xuống dưới theo đường dích dắc.
- Số thứ tự thửa đất được gọi tắt bằng cụm từ “Thửa số” và số thứ tự thửa đất trong tờ bản đồ, ví dụ: Thửa số 1;
(2) Diện tích thửa đất được xác định là diện tích hình chiếu thẳng đứng của đường ranh giới thửa đất trên mặt phẳng ngang, đơn vị tính là mét vuông (m2);
- Sau khi đã kiểm tra diện tích thửa đất trên bản đồ địa chính mà đạt yêu cầu theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT thì diện tích thửa đất được làm tròn số đến một chữ số thập phân;
(3) Đối với đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất sau khi xác định ranh giới chiếm đất theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT được thể hiện số thứ tự thửa đất, diện tích và loại đất như thửa đất quy định tại điểm a và điểm b khoản này và điểm a khoản 4 Điều 13 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT.
Số thứ tự thửa đất và diện tích thửa đất trên bản đồ địa chính được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Thể hiện và trình bày thửa đất trên bản đồ địa chính như thế nào?
Căn cứ theo khoản 6 Điều 13 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT quy định thể hiện và trình bày thửa đất trên bản đồ địa chính như sau:
(1) Thể hiện thửa đất trên nền bản đồ địa chính (không gian) dưới dạng ký hiệu hình học chung đối với cả 03 yếu tố gồm số thứ tự thửa đất, diện tích thửa đất và loại đất, gọi là nhãn thửa. Nhãn thửa được thể hiện và trình bày theo mẫu quy định tại Phụ lục số 22 kèm theo Thông tư 26/2024/TT-BTNMT.
- Trường hợp tách thửa đất, hợp thửa đất mà hình thành lối đi thì phần lối đi thể hiện như thửa đất kèm ghi chú chữ “lối đi” trên nền bản đồ địa chính.
- Trường hợp thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà trên đó thể hiện rõ tọa độ đỉnh thửa hoặc kích thước cạnh thửa hoặc khoảng cách giữa ranh giới thửa đất với các yếu tố địa lý, địa hình, địa vật xung quanh nhưng khác với hiện trạng sử dụng đất thì trên bản đồ địa chính thể hiện cả ranh giới thửa đất theo giấy tờ này tại lớp riêng.
(2) Thể hiện thửa đất trên sổ mục kê đất đai dưới dạng thông tin thuộc tính dạng chữ và dạng số đối với số thứ tự tờ bản đồ địa chính, số thứ tự thửa đất, loại đất, diện tích thửa đất, tên người sử dụng đất, tên người quản lý đất.
- Trường hợp nhiều thửa đất dùng chung lối đi thì trên sổ mục kê đất đai thể hiện cụ thể thửa đất có quyền sử dụng chung lối đi đó tại phần ghi chú.
Thể hiện và trình bày mốc địa giới và đường địa giới các cấp có trong khu đo như thế nào?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 14 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT quy định thể hiện và trình bày mốc địa giới và đường địa giới các cấp có trong khu đo như sau:
(1) Đơn vị đo đạc phối hợp với công chức làm công tác địa chính xác định vị trí mốc địa giới, đường địa giới các cấp trên thực địa và mép nước biển thấp nhất ở thời điểm đo đạc;
(2) Mốc quốc giới và đường biên giới quốc gia được chuyển vẽ từ hồ sơ phân giới cắm mốc theo Hiệp ước, Hiệp định đã được ký kết giữa Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước tiếp giáp;
- Ở khu vực chưa có Hiệp ước, Hiệp định thì thể hiện theo quy định của pháp luật về biên giới quốc gia và hướng dẫn của Bộ Ngoại giao;
(3) Mốc địa giới và đường địa giới đơn vị hành chính các cấp được chuyển vẽ từ hồ sơ địa giới đơn vị hành chính mới nhất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Trường hợp đơn vị hành chính ven biển có hồ sơ thể hiện đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm và khu vực lấn biển theo hồ sơ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì chuyển vẽ lên bản đồ địa chính.
+ Khi đo đạc thực địa phải đo đạc xác định vị trí mốc địa giới đơn vị hành chính có trên thực địa và đo đạc chi tiết mép nước biển thấp nhất ở thời điểm đo đạc.
- Đối với đường địa giới đơn vị hành chính được mô tả nằm trên đối tượng giao thông, thủy hệ và đối tượng có dạng hình tuyến khác có độ rộng trên thực địa từ 0,5 m trở lên thì đo đạc chi tiết hai bên mép đối tượng đó để xác định.
- Khi phát hiện có sự chưa thống nhất về mốc địa giới và đường địa giới đơn vị hành chính thể hiện trên hồ sơ với thực tế đang quản lý hoặc khu vực chưa xác định địa giới đơn vị hành chính thì đơn vị đo đạc ghi nhận cụ thể và lập báo cáo các khu vực chưa thống nhất, chưa xác định đường địa giới đơn vị hành chính gửi Ủy ban nhân dân cấp xã và giao nộp sản phẩm theo quy định;
(4) Đối với khu đo liên quan đến đường địa giới đơn vị hành chính thì sau khi đo đạc chi tiết, đơn vị đo đạc lập biên bản xác nhận thể hiện địa giới đơn vị hành chính giữa các đơn vị hành chính có liên quan theo mẫu quy định tại Phụ lục số 13 kèm theo Thông tư 26/2024/TT-BTNMT;
(5) Trường hợp địa giới đơn vị hành chính giữa hồ sơ với thực tế đang quản lý không phù hợp với nhau hoặc trên hồ sơ chưa xác định địa giới đơn vị hành chính thì trên bản đồ địa chính thể hiện riêng đường địa giới đơn vị hành chính theo hồ sơ bằng ký hiệu màu đen và đường địa giới thực tế quản lý (phần chưa thống nhất hoặc chưa xác định) bằng ký hiệu màu đỏ.
- Trường hợp đường địa giới đơn vị hành chính các cấp trùng nhau thì trên bản đồ địa chính thể hiện và trình bày theo đường địa giới đơn vị hành chính cấp cao nhất;
(6) Mốc địa giới và đường địa giới đơn vị hành chính các cấp thể hiện bằng ký hiệu và trình bày theo mẫu quy định tại Phụ lục số 22 kèm theo Thông tư 26/2024/TT-BTNMT.