Sổ đỏ chỉ đứng tên chồng, khi chồng mang quyền sử dụng đất đi góp vốn cần vợ đồng ý không?
Nội dung chính
Quyền sử dụng đất được xem là tài sản riêng, tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp nào?
(1) Xác định tài sản chung, tài sản riêng theo thỏa thuận:
Tại Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Theo đó, nếu hai vợ chồng có lập văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật thì việc xác định quyền sử dụng đất là tài sản riêng hay tài sản chung của vợ chồng được xác định dựa trên thỏa thuận này.
(2) Xác định tài sản chung, tài sản riêng theo quy định pháp luật:
Trường hợp không có thỏa thuận thì việc xác định quyền sử dụng đất là tài sản chung hay tài sản riêng sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Theo đó, quyền sử dụng đất được xác định là tài sản chung của vợ chồng khi quyền sử dụng đất đó vợ, chồng có được sau kết hôn. Còn đối với các trường hợp sau thì quyền sử dụng đất được xem là tài sản riêng của vợ hoặc chồng:
- Vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn (khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)
- Vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, tặng cho riêng;
- Vợ hoặc chồng có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng;
- Quyền sử dụng đất được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân (Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)
- Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác (khoản 2 Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP)
- Quyền sử dụng đất là tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng (khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Lưu ý: Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh quyền sử dụng đất mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung (khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Sổ đỏ chỉ đứng tên chồng, khi chồng mang quyền sử dụng đất đi góp vốn cần vợ đồng ý không? (Hình từ Internet)
Khi nào thì sổ đỏ chỉ đứng tên chồng?
Hiện nay, "Sổ đỏ" không phải là thuật ngữ pháp lý được quy định trong bất kỳ văn bản pháp luật nào. Tuy nhiên, trong cách gọi thông dụng của người dân Việt Nam, "Sổ đỏ" được hiểu là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tên gọi này xuất phát từ màu bìa đỏ đặc trưng của loại giấy chứng nhận này.
Căn cứ khoản 4 Điều 135 Luật Đất đai 2024, trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người để đứng tên làm đại diện cho vợ và chồng.
Theo đó, trong trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng mà vợ chồng có thỏa thuận về việc chỉ cho người chồng đứng tên trên Sổ đỏ (Giấy chứng nhận) thì Sổ đỏ chỉ đứng tên người chồng. Bên cạnh đó, trong trường hợp quyền sử dụng đất được xác định là tài sản riêng của người chồng thì Sổ đỏ chỉ đứng tên chồng.
Người chồng được góp vốn bằng quyền sử dụng đất?
Tại khoản 22 Điều 3 Luật Đất đai 2024, góp vốn bằng quyền sử dụng đất được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên về chuyển quyền sử dụng đất thông qua việc góp quyền sử dụng đất để tạo thành vốn điều lệ của tổ chức kinh tế, bao gồm góp vốn để thành lập tổ chức kinh tế hoặc góp thêm vốn điều lệ của tổ chức kinh tế đã được thành lập.
Ngoài ra, theo quy định khoản 1 Điều 27 Luật Đất đai 2024, người sử dụng đất được thực hiện các quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, để thực hiện việc góp vốn thì phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Luật Đất đai 2024 và quy định của pháp luật khác có liên quan. Cụ thể các điều kiện thực hiện quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất được quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024 như sau:
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
- Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;
- Trong thời hạn sử dụng đất;
- Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người chồng là người sử dụng đất có quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên. Ngoài ra, trong trường hợp luật khác có quy định thêm điều kiện để thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì phải tuân thủ điều kiện đó để thực hiện góp vốn.
Sổ đỏ chỉ đứng tên chồng, khi chồng mang quyền sử dụng đất đi góp vốn cần vợ đồng ý không?
Việc chồng mang quyền sử dụng đất đi góp vốn trong khi "Sổ đỏ" chỉ đứng tên chồng cần xem xét quyền sử dụng đất đó là tài sản riêng hay tài sản chung của vợ chồng trước. Sau đó, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà xác định có cần sự đồng ý của vợ hay không. Cụ thể:
Trường hợp 1: Sổ đỏ đứng tên chồng khi quyền sử dụng đất được xác định là tài sản riêng của chồng.
Trong các trường hợp này, quyền sử dụng đất là tài sản thuộc sở hữu riêng của người chồng, pháp luật không đặt ra yêu cầu phải có sự đồng thuận của vợ khi chồng thực hiện việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất đó. Vì vậy, người chồng có quyền tự mình quyết định việc góp vốn mà không cần sự can thiệp hoặc đồng ý của người vợ.
Trường hợp 2: Sổ đỏ chỉ đứng tên chồng nhưng quyền sử dụng đất là tài sản chung
Khi quyền sử dụng đất là tài sản chung thì việc thực hiện quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất cần phải đáp ứng thêm điều kiện của Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Cụ thể:
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng.
Thêm vào đó, Điều 36 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng nêu rõ rằng trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản.
Tóm lại, dù Sổ đỏ chỉ đứng tên chồng nhưng quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng thì việc chồng thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải có thỏa thuận rõ ràng bằng văn bản giữa vợ và chồng, trong đó vợ đồng ý để chồng sử dụng tài sản chung này để góp vốn.
Như vậy, Sổ đỏ chỉ đứng tên chồng, khi chồng mang quyền sử dụng đất đi góp vốn cần vợ đồng ý hay không tùy vào từng trường hợp quyền sử dụng đất đó là tài sản riêng của chồng hay tài sản chung của vợ chồng. Nếu là tài sản riêng thì không cần có sự đồng ý của vợ, ngược lại, nếu là tài sản chung thì phải có sự đồng ý của vợ thể hiện trong nội dung văn bản thỏa thuận của vợ chồng.