Sáp nhập tỉnh thành 2025 thì giá đất bị tác động thế nào?
Nội dung chính
Sáp nhập tỉnh thành 2025 thì giá đất bị tác động thế nào?
Việc sáp nhập tỉnh thành 2025 nhằm mục tiêu tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ nhân dân tốt hơn. Vậy sáp nhập tỉnh thành 2025 thì giá đất bị tác động thế nào?
Việc sáp nhập tỉnh thành 2025 không phải là yếu tố ảnh hưởng đến giá đất được điều chỉnh bởi Nghị định 71/2024/NĐ-CP, nhưng phần nào đó có thể ảnh hưởng gián tiếp đến giá đất do sự thay đổi về nhu cầu sử dụng đất của người dân.
Trong ngắn hạn, tâm lý kỳ vọng và hiệu ứng "đón sóng quy hoạch" có thể khiến giá đất ở một số khu vực tăng nhanh, nhất là tại những nơi được nâng cấp về vị thế hành chính hoặc trở thành trung tâm tỉnh mới.
Những địa phương được kỳ vọng phát triển hạ tầng, cải thiện kết nối giao thông và thu hút đầu tư thường sẽ trở thành tâm điểm của nhà đầu tư bất động sản.
Tuy nhiên, không phải khu vực nào cũng được hưởng lợi từ sáp nhập. Những nơi bị mất đi vị thế trung tâm, chẳng hạn trung tâm tỉnh lỵ cũ bị chuyển đi, có thể sẽ rơi vào tình trạng chững lại, hoặc giảm giá do nhu cầu sử dụng đất và đầu tư suy giảm.
Bên cạnh đó thị trường cũng có thể rơi vào trạng thái nhiễu loạn nếu giới đầu tư đẩy giá quá mức trước khi có thông tin rõ ràng, dẫn đến hiện tượng “sốt ảo” rồi điều chỉnh giảm sau đó.
Ngoài ra, việc sáp nhập tỉnh thành 2025 thì giá đất bị tác động thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố đến từ Nhà nước như quy hoạch sử dụng đất, định hướng phát triển hạ tầng, cũng như chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Do đó, chỉ nên theo dõi những thông tin chính thống, các văn bản chính thức do Nhà nước ban hành, tránh chạy theo tin đồn và cần cân nhắc kỹ lưỡng trước các quyết định mua bán đất đai trong giai đoạn này.
Lưu ý: Thông tin "Sáp nhập tỉnh thành 2025 thì giá đất tác động thế nào?" chỉ mang tính chất tham khảo.
Sáp nhập tỉnh thành 2025 thì giá đất bị tác động thế nào? (Hình từ Internet)
Kinh doanh bất động sản là gì? Chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh bất động sản?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 thì kinh doanh bất động sản được định nghĩa như sau:
Kinh doanh bất động sản là hoạt động nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc bỏ vốn để tạo lập nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng; cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản; chuyển nhượng dự án bất động sản; kinh doanh dịch vụ bất động sản.
Theo Điều 7 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 thì Chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh bất động sản bao gồm:
(1) Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh bất động sản phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ và từng địa bàn.
(2) Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và dự án bất động sản được ưu đãi đầu tư.
(3) Nhà nước đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài phạm vi của dự án, hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi của dự án đối với dự án bất động sản được ưu đãi đầu tư.
(4) Nhà nước đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư dự án dịch vụ công ích đô thị, công trình hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án bất động sản.
(5) Nhà nước có chính sách để điều tiết thị trường bất động sản, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững.
(6) Nhà nước có chính sách để tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản.
(7) Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua, cho thuê lại nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất thông qua sàn giao dịch bất động sản.