Quy định về việc chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông theo Thông tư 69/2024
Nội dung chính
Thông tư 69/2024/TT-BCA được ban hành quy định những nội dung gì?
Ngày 12/11/2024, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư 69/2024/TT-BCA quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông. Thông tư 69/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Theo đó, Thông tư 69/2024/TT-BCA quy định về yêu cầu, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, trang thiết bị, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, nguyên tắc, biểu mẫu trong chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; phân công, phân cấp trong công tác chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; quản lý, vận hành, khai thác hệ thống đèn tín hiệu giao thông đường bộ; sử dụng thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; trình tự chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết một số trường hợp cụ thể trong khi làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông và trách nhiệm của các lực lượng khác được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông trên đường bộ.
Đối tượng được áp dụng bao gồm:
- Sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông).
- Công an các đơn vị, địa phương.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Việc chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông dựa trên những nguyên tắc nào?
Theo Điều 3 Thông tư 69/2024/TT-BCA, từ ngày 01/01/2025, việc chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ phải tuân thủ các nguyên tắc như sau:
Nguyên tắc chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ
1. Tuân thủ quy định tại Thông tư này, các quy định khác của pháp luật có liên quan và quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
2. Bảo đảm cho người, phương tiện tham gia giao thông đi lại trật tự, an toàn và thông suốt. Trường hợp có xe ưu tiên tham gia lưu thông thì phải cho xe ưu tiên lưu thông trước, căn cứ theo thứ tự quyền ưu tiên của các xe để mở hướng lưu thông. Chiều đường có nhiều phương tiện thì cho lưu thông trước và thời gian lưu thông nhiều hơn; chiều đường có ít phương tiện thì cho lưu thông sau và thời gian lưu thông ít hơn; chiều đường có xe cơ giới thì cho lưu thông trước chiều đường có xe thô sơ.
3. Bảo đảm sự thống nhất về tổ chức, chỉ đạo, điều hành, phân công, phân cấp, phối hợp trong hoạt động chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ.
4. Trường hợp gặp xe, đoàn xe chở các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và khách nước ngoài có xe Cảnh sát giao thông dẫn đường, Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông phải chào theo Điều lệnh Công an nhân dân (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này) trừ khi đang thực hiện động tác điều khiển giao thông đường bộ.
Như vậy, việc điều khiển, chỉ huy giao thông đường bộ yêu cầu Cảnh sát giao thông phải tuân thủ các nguyên tắc theo quy định nêu trên.
Quy định về việc chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông theo Thông tư 69/2024 (Hình từ internet)
Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông
Bộ Công an đã nêu ra các nhiệm vụ cũng như quyền hạn đối với Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông từ ngày 01/01/2025 theo Điều 5 Thông tư 69/2024/TT-BCA như sau:
(1) Nhiệm vụ của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông
- Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an; Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Giám đốc Công an cấp tỉnh); kế hoạch hoặc phương án của Trưởng phòng Hướng dẫn điều khiển giao thông và dẫn đoàn thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh; Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Trưởng Công an cấp huyện);
- Chỉ huy, điều khiển giao thông, phân luồng, phân tuyến, phòng ngừa và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ, phối hợp với các cơ quan chức năng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến giao thông, địa bàn được phân công theo quy định;
- Phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
- Bảo vệ hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ, phối hợp tổ chức cấp cứu người bị nạn và giải quyết tai nạn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật;
- Phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật;
- Phát hiện sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự để kiến nghị với cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.
(2) Quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông
- Tạm thời đình chỉ người và phương tiện đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến, nơi tạm dừng xe, đỗ xe khi xảy ra ùn tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự;
- Trong phạm vi, địa bàn được phân công nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ hoặc theo kế hoạch, mệnh lệnh của cấp có thẩm quyền được dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của pháp luật;
- Xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự và các vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác theo quy định của pháp luật; được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
- Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
- Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định thì Cảnh sát chỉ huy giao thông phải có trách nhiệm thu thập, phân tích, đánh giá các yếu tố có liên quan để đưa ra giải pháp điều hành hoạt động giao thông đường bộ bảo đảm trật tự, an toàn, thông suốt.
Tải về Thông tư 69/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.