Quy định kỹ thuật về lập điều chỉnh quy hoạch kế hoạch sử dụng đất theo Thông tư 29/2024
Nội dung chính
Ban hành quy định kỹ thuật về lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất?
Ngày 12/12/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Mội trường ban hành Thông tư 29/2024/BTNMT quy định kỹ thuật về lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Thông tư 29/2024/BTNMT quy định kỹ thuật về lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gồm:
(1) Kỹ thuật lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia quy định tại Điều 22 Nghị định 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 110 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024) và Điều 15 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024 (sau đây gọi là Nghị định 102/2024/NĐ-CP).
(2) Kỹ thuật lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh quy định tại Điều 18 Nghị định 102/2024/NĐ-CP.
(3) Kỹ thuật lập, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất của thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh) đối với trường hợp không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh quy định tại Điều 19 Nghị định 102/2024/NĐ-CP.
(4) Kỹ thuật lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện quy định tại Điều 20 Nghị định 102/2024/NĐ-CP.
(5) Kỹ thuật lập, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện quy định tại Điều 21 Nghị định 102/2024/NĐ-CP.
(6) Kỹ thuật lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh quy định tại Mục VII của Phụ lục III Nghị định 37/2019/NĐCP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 110 Nghị định 102/2024/NĐ-CP).
Đồng thời, Điều 2 Thông tư 29/2024/BTNMT quy định các đối tượng áp dụng bao gồm:
- Cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về đất đai; công chức làm công tác địa chính ở xã, phường, thị trấn.
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
- Các tổ chức, cá nhân thực hiện việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Quy định kỹ thuật về lập điều chỉnh quy hoạch kế hoạch sử dụng đất theo Thông tư 29/2024 (Ảnh từ Internet)
Các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực được phân tích đánh giá ra sao?
Căn cứ theo Điều 8 Thông tư 29/2024/BTNMT về phân tích đánh giá các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực như sau:
Phân tích đánh giá các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực
1. Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, các nguồn tài nguyên và môi trường, gồm:
a) Phân tích đặc điểm điều kiện tự nhiên (vị trí địa lý; địa hình, địa mạo; địa chất; khí hậu; thuỷ văn và các yếu tố khác có liên quan);
b) Phân tích đặc điểm các nguồn tài nguyên (đất; nước; rừng; biển; khoáng sản và các yếu tố khác có liên quan);
c) Phân tích hiện trạng môi trường (không khí; nước; đất; chất thải rắn; sản xuất nông nghiệp và làng nghề; hoạt động khai thác khoáng sản và các yếu tố khác có liên quan);
d) Phân tích, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến việc sử dụng đất (nước biển dâng; xâm nhập mặn; hoang mạc hóa, sa mạc hóa; xói mòn, sạt lở đất và các yếu tố khác có liên quan).
2. Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội (tăng trưởng kinh tế; cơ cấu kinh tế theo khu vực kinh tế; thực trạng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực; thực trạng phát triển đô thị và phát triển nông thôn; tình hình dân số, lao động, việc làm và thu nhập, tập quán có liên quan đến sử dụng đất và các yếu tố khác có liên quan).
3. Nguồn lực, bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước tác động đến việc sử dụng đất, gồm:
a) Bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước tác động đến việc sử dụng đất;
b) Phân tích, đánh giá các nguồn lực tự nhiên, nguồn nhân lực, công nghệ, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khả năng đầu tư công và thu hút đầu tư ngoài ngân sách có liên quan đến việc sử dụng đất;
c) Phân tích, đánh giá các nguồn lực khác có liên quan đến việc sử dụng đất.
4. Phân tích, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, biến động sử dụng đất, kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất kỳ trước, gồm:
a) Hiện trạng sử dụng đất theo loại đất quy định tại Điều 9 Luật Đất đai và các điều 4, 5 và 6 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP;
b) Biến động sử dụng đất theo loại đất quy định tại Điều 9 Luật Đất đai và các điều 4, 5 và 6 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP;
c) Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất kỳ trước (kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp; kết quả thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất và các nội dung khác có liên quan);
d) Phân tích, đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường trong việc sử dụng đất;
đ) Phân tích, đánh giá mặt được, tồn tại, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và giải pháp khắc phục;
e) Lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất phục vụ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
5. Xây dựng báo cáo chuyên đề phân tích đánh giá các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực.
6. Trường hợp điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thì đánh giá hiện trạng, biến động sử dụng đất và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến thời điểm tổ chức điều chỉnh.
Như vậy, các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực được phân tích đánh giá như quy định trên.
Thông tư 29/2024/BTNMT có hiệu lực kể từ ngày 12/12/2024.