Những trường hợp bị trả lại đơn khởi kiện khi giải quyết tranh chấp đất đai

Bị trả lại đơn khởi kiện khi giải quyết tranh chấp đất đai nếu không có quyền khởi kiện, chưa đủ điều kiện khởi kiện, rút đơn khởi kiện...

Nội dung chính

    Trả đơn khởi kiện khi người khởi kiện không có quyền khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai

    Căn cứ Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

    Bên cạnh đó, tại quy định ở Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.

    Từ các quy định trên, có thể thấy rằng quyền khởi kiện vụ án dân sự, bao gồm tranh chấp đất đai, được pháp luật quy định chặt chẽ nhằm bảo đảm rằng chỉ những chủ thể có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm mới được khởi kiện tại Tòa án. 

    Đồng thời, quy định này cũng mở rộng quyền khởi kiện cho các cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình để bảo vệ lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước. 

    Việc trả đơn khởi kiện khi người khởi kiện không có quyền khởi kiện là một biện pháp cần thiết, giúp đảm bảo tính hợp pháp của quá trình tố tụng, tránh tình trạng lạm dụng quyền khởi kiện và góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp tại Tòa án.

    Lưu ý: Người khởi kiện phải đáp ứng điều kiện năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự theo quy định tại Điều 69 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

    Những trường hợp bị trả lại đơn khởi kiện khi giải quyết tranh chấp đất đai

    Những trường hợp bị trả lại đơn khởi kiện khi giải quyết tranh chấp đất đai (Hình từ Internet)

    Trả đơn khởi kiện khi người khởi kiện tranh chấp đất đai chưa đủ điều kiện khởi kiện

    Theo khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024 quy định trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

    Căn cứ Điều 236 Luật Đất đai 2024 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:

    - Nếu các bên tranh chấp hoặc một trong các bên có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024 và có tranh chấp tài sản sẽ do Tòa án giải quyết.

    - Nếu các bên tranh chấp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024 thì các bên tranh chấp được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

    + Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết

    + Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

    Khi người khởi kiện tranh chấp đất đai không đáp ứng đủ điều kiện khởi kiện, cụ thể là chưa thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024, đơn khởi kiện sẽ bị trả lại. Đây là yêu cầu bắt buộc trước khi có thể khởi kiện tại Tòa án hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

    Điều này nhằm thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp đất đai một cách hòa bình và hiệu quả, tránh việc xử lý qua tòa án khi không thực sự cần thiết, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.

    Lưu ý: Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án. (khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP)

    Trả lại đơn khởi kiện khi tranh chấp đất đai đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật 

    Theo điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định sẽ trả lại đơn khởi kiện nếu trước đó tranh chấp đất đai đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp trừ trường hợp vụ án đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại.

    Khi tranh chấp đất đai đã được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đơn khởi kiện sẽ bị trả lại theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Tuy nhiên, nếu vụ án liên quan đến quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu, thì các bên vẫn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật.

    Trả lại đơn khởi kiện khi người khởi kiện tranh chấp đất đai không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án

    Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định nếu hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí mà người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng sẽ bị bị trả lại đơn khởi kiện.

    Tóm lại, nếu người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí trong thời hạn 7 ngày kể từ khi nhận được thông báo của Tòa án, trừ trường hợp được miễn hoặc gặp trở ngại khách quan, đơn khởi kiện sẽ bị trả lại.

    Trả lại đơn khởi kiện khi người khởi kiện tranh chấp đất đai rút đơn khởi kiện; vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hoặc người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán

    Theo điểm g khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 khi người khởi kiện tranh chấp đất đai rút đơn khởi kiện thì đơn khởi kiện sẽ được trả lại.

    Bên cạnh đó, tại điểm đ khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 nếu vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán có quyền trả lại đơn kiện.

    Đồng thời, Thẩm phán sẽ trả lại đơn kiện khi người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu người khởi kiện. (điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

    41