Những điều cần biết về giải quyết tranh chấp đất đai
Nội dung chính
Khi có tranh chấp đất đai, các bên phải thực hiện hòa giải
(1) Các bên trong tranh chấp đất đai tự hòa giải, hòa giải ở cơ sở
Căn cứ khoản 1 Điều 235 Luật Đất đai 2024, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải, hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại hoặc cơ chế hòa giải khác theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, quy định này chỉ khuyến khích các bên có thể tự thỏa thuận, thỏa giải để giải quyết tranh chấp đất đai. Việc khuyến khích hòa giải nhằm tạo điều kiện cho các bên đạt được thỏa thuận, giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước và tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên tham gia.
(2) Bắt buộc hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã khi giải quyết tranh chấp đất đai
Theo quy định tại khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024 quy định các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định.
Lưu ý: Đối với địa bàn không thành lập đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thì không thực hiện hòa giải ở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện theo quy định tại Điều 236 Luật Đất đai 2024.
Tại điểm d khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024 quy định việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tham gia hòa giải và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Như vậy, các bên có thể chọn hòa giải tại cơ sở tuy nhiên việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã là bắt buộc trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
Nếu không thực hiện hòa giải tại cấp xã, tranh chấp sẽ không được giải quyết bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Những điều cần biết về giải quyết tranh chấp đất đai (Hình từ Internet)
Khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án
Theo Điều 236 Luật Đất đai 2024 đối với các tranh chấp đất đai sau sẽ được khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án:
- Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp hoặc một trong các bên tranh chấp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024 và có tranh chấp về tài sản gắn liền với đất.
- Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024 mà các bên tranh chấp lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp đất đai bằng việc khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, việc giải quyết tranh chấp đất đai tại tòa án phải đáp ứng các điều kiện sau đây nếu không đơn khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai sẽ bị Thẩm phán trả lại theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015:
- Người khởi kiện phải có quyền khởi kiện theo Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
- Người khởi kiện phải có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự
- Đơn khởi kiện nộp đúng thẩm quyền Tòa án
- Đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã nơi có đất tranh chấp theo quy định tại khoản 2 Điều 236 Luật Đất đai 2024, trừ trường hợp địa bàn không thành lập đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện
- Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;
Tóm lại, tranh chấp đất đai sẽ được khởi kiện tại Tòa án trong các trường hợp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc các giấy tờ hợp pháp khác liên quan đến đất đai có tranh chấp về tài sản gắn liền với đất hoặc khi các bên tranh chấp lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Tòa án dù không có các giấy tờ vừa nêu.
Tuy nhiên, để đơn khởi kiện được chấp nhận, người khởi kiện phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, bao gồm việc hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp, trừ trường hợp không có đơn vị hành chính cấp xã.
Yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Theo quy định tại khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024 nếu tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024 mà các bên tranh chấp được lựa chọn hình thức nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.
Trường hợp các bên tranh chấp lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
(1) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 236 Luật Đất đai 2024 đối với tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
(2) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Trường hợp 1: Trong 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết các bên trong tranh chấp đất đai không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trường hợp 2: Tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế.
Lưu ý: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi các bên trong tranh chấp không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Như vậy, dựa vào đối tượng trong tranh chấp đất đai, nội dung tranh chấp đất đai, có các giấy tờ về quyền sử dụng đất mà phân chia thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân. Trường hợp các bên trong tranh chấp không đồng ý với quyết định giải quyết có thể khiếu nại lên cấp có thẩm quyền cao hơn trong thời gian quy định để yêu cầu giải quyết.