Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Điều tra trong hoạt động điều tra vụ án hình sự được quy định như thế nào?

Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Điều tra trong hoạt động điều tra vụ án hình sự được quy định như thế nào? Khi có tin tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố vụ án hình sự của cá nhân, tổ chức cơ quan điều tra phải làm gì?

Nội dung chính

    Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Điều tra trong hoạt động điều tra vụ án hình sự được quy định như thế nào?

    - Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Điều tra trong hoạt động điều tra vu án hình sự được quy định tại Điều 8 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018. Cụ thể là:

    + Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

    + Tiếp nhận hồ sơ vụ án do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra chuyển giao.

    + Tiến hành Điều tra các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do luật định để phát hiện, xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội; lập hồ sơ, đề nghị truy tố.

    + Tìm ra nguyên nhân, Điều kiện phạm tội và yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.

    - Khi có tin tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố vụ án hình sự của cá nhân, tổ chức cơ quan điều tra phải thực hiện tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan cảnh sát điều tra không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra tiến hành thu thập thông tin, chứng cứ, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin; thực hiện các biện pháp khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi (nếu có), định giá tài sản nếu có để làm căn cứ để khởi tố và tiến hành điều tra vụ án.

    - Trường hợp cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra phát hiện tội phạm hoặc thấy có dấu hiệu của tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trong, đặc biệt nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng nhưng các tình tiết của vụ án phức tạp thì thực hiện những thao tác, thủ tục sơ bộ ban đầu, sau đó phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết. Cơ quan điều tra có thẩm quyền phải thực hiện tiếp nhận giải quyết vụ án được chuyển giao.

    - Cơ quan điều tra thực hiện khởi tố vụ án hình sự khi xác định sự việc có dấu hiệu tội phạm dựa vào một trong các căn cứ tố giác của cá nhân; tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước; hồ sơ của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chuyển giao; cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; người phạm tội tự thú. Sau khi khởi tố vụ án hình sự, cơ quan điều tra tiến hành điều tra, lập hồ sơ vụ án gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để kiến nghị truy tố.

    - Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, cơ quan điều tra phải dựa vào tình hình thực tế để rút ra các bài học về nguyên nhân, điều kiện dẫn đến việc thực hiện tội phạm để kiến nghị, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tiến hành tuyên truyền, vần động ngăn ngừa, phòng chống tội phạm trên cả nước.

    222