Nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai là gì theo quy định mới 2025? So sánh văn phòng đất đai và trung tâm phát triển quỹ đất
Nội dung chính
Nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai là gì?
Căn cứ Điều 13 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định về Nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai cụ thể như sau:
- Thực hiện đăng ký đất đai đối với đất được Nhà nước giao quản lý, đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
- Thực hiện đăng ký biến động đối với đất được Nhà nước giao quản lý, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
- Thực hiện đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính, trích lục bản đồ địa chính; cấp, đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận, hủy kết quả đăng ký biến động trên giấy chứng nhận;
- Kiểm tra mảnh trích đo bản đồ địa chính thửa đất; kiểm tra, xác nhận sơ đồ tài sản gắn liền với đất do tổ chức, cá nhân cung cấp phục vụ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận;
- Lập, chỉnh lý, cập nhật, lưu trữ và quản lý hồ sơ địa chính; tiếp nhận, quản lý việc sử dụng mẫu Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật;
- Cập nhật, chỉnh lý, đồng bộ hóa, khai thác dữ liệu đất đai; xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin đất đai theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất;
- Thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật;
- Cung cấp hồ sơ, bản đồ, thông tin, số liệu đất đai, tài sản gắn liền với đất cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật và các khoản thu từ dịch vụ công về đất đai quy định tại Điều 154 Luật Đất đai;
- Thực hiện các dịch vụ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ phù hợp với năng lực theo quy định của pháp luật;
- Quản lý viên chức, người lao động, tài chính và tài sản thuộc Văn phòng đăng ký đất đai; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật về các lĩnh vực công tác được giao.
Như trên là các nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai là gì? So sánh văn phòng đất đai và trung tâm phát triển quỹ đất (Hình từ Internet)
So sánh Văn phòng đăng ký đất đai và Trung tâm phát triển quỹ đất
Căn cứ Điều 13, 14 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, so sánh Văn phòng đăng ký đất đai và Trung tâm phát triển quỹ đất như sau:
Tiêu chí | Văn phòng đăng ký đất đai | Trung tâm phát triển quỹ đất |
Vị trí, Chức năng | Là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng thực hiện đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, đo đạc, quản lý hệ thống thông tin đất đai và cung cấp dịch vụ công về đất đai. | Là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng chính là tạo lập, phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất tại địa phương. |
Cơ quan thành lập và trực thuộc | Trực thuộc cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường). | Do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập và trực thuộc UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện (tùy vào tình hình thực tế). |
Tư cách pháp nhân | Có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản. Các Chi nhánh trực thuộc cũng có tư cách pháp nhân. | Có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản để hoạt động. |
Nhiệm vụ chính | - Đăng ký đất đai, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. - Cấp, đính chính, thu hồi Giấy chứng nhận - Đo đạc, chỉnh lý, lập và quản lý bản đồ địa chính. - Xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai - Cung cấp thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân. - Đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất. - Thu phí, lệ phí và thực hiện các dịch vụ công về đất đai. | - Quản lý quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng. - Lập và thực hiện dự án tạo quỹ đất để đấu giá. - Lập và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. - Tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. - Đầu tư xây dựng, phát triển quỹ đất tái định cư. - Cho thuê ngắn hạn các khu đất chưa có quyết định giao/cho thuê. - Thực hiện các dịch vụ trong lĩnh vực bồi thường, GPMB. |
Cơ cấu tổ chức | - Gồm các phòng chuyên môn và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại các đơn vị hành chính cấp huyện hoặc khu vực. - Cơ cấu được quy định cụ thể tại Nghị định. | - Cơ cấu tổ chức, bộ máy thực hiện theo quy định chung của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập. - Không có quy định chi tiết về các đơn vị trực thuộc như Chi nhánh. |
Trên đây là bảng so sánh Văn phòng đăng ký đất đai và Trung tâm phát triển quỹ đất.
Văn phòng đăng ký đất đai có được cấp mới Sổ đỏ không?
Căn cứ tại điểm đ khoản 3 Điều 37 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 37. Trình tự, thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
[...]
3. Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:
[...]
c) Trường hợp giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên thì Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm đo đạc, xác định lại diện tích thửa đất bằng kinh phí của Nhà nước;
d) Gửi Phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai theo Mẫu số 12/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;
đ) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc xác nhận thay đổi trên Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc gửi cơ quan tiếp nhận hồ sơ để trao cho người được cấp.
Đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc quy định tại điểm này sau khi nhận được thông báo của cơ quan thuế về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
[...]
Như vậy, văn phòng đăng ký đất đai có thẩm quyền cấp mới Sổ đỏ theo quy định nêu trên.