Nhà ở xã hội là gì? Hộ cận nghèo có được mua nhà ở xã hội không? Có bao nhiêu loại nhà ở xã hội?

Theo quy định của Luật Nhà ở hiện hành thì nhà ở xã hội là gì, có bao nhiêu loại nhà ở xã hội và ai được quyền mua nhà ở xã hội đó?

Nội dung chính

    Nhà ở xã hội là gì?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Luật nhà ở 2023 thì:

    Giải thích từ ngữ
    7. Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định của Luật này.

    Như vậy, có thể hiểu nhà ở xã hội là loại hình nhà ở được xây dựng với mục đích cung cấp chỗ ở cho những đối tượng có thu nhập thấp hoặc trung bình, nhằm đảm bảo nhu cầu về nhà ở cho người dân trong xã hội và đối tượng này phải là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định.

    Nhà ở xã hội là gì? Hộ cận nghèo có được mua nhà ở xã hội không? Có bao nhiêu loại nhà ở xã hội? (Ảnh từ Internet)

    Nhà ở xã hội là gì? Hộ cận nghèo có được mua nhà ở xã hội không? Có bao nhiêu loại nhà ở xã hội? (Ảnh từ Internet)

    Hộ cận nghèo có được mua nhà ở xã hội không?

    Theo quy định tại Điều 76 Luật nhà ở 2023 có quy định theo hình thức liệt kê các đối tượng được hưởng chính hỗ trở về nhà ở xã hội như sau:

    Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
    1. Người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
    2. Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn.
    3. Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
    4. Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.
    5. Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
    6. Công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp.
    7. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ; người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác.
    8. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
    9. Đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 4 Điều 125 của Luật này, trừ trường hợp bị thu hồi nhà ở công vụ do vi phạm quy định của Luật này.
    10. Hộ gia đình, cá nhân thuộc trường hợp bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
    11. Học sinh, sinh viên đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt theo quy định của pháp luật; học sinh trường dân tộc nội trú công lập.
    12. Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp.

    Như vậy Luật Nhà ở 2023 có quy định cụ thể 12 đối tương được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Trong đó hộ cận nghèo là một trong các đối tương đó, vì vậy hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn, khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và hộ cận nghèo ở đô thị đều được mua nhà ở xã hội.

    Có bao nhiêu loại nhà ở xã hội?

    Các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội có liệt kê phân biệt đối tượng tại khu vực nông thôn và khu vực đô thị, vì vậy loại nhà ở xã hội cũng có sự khác biệt. Căn cứ theo quy định tại Điều 83 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:

    Loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội
    1. Loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội được quy định như sau:
    a) Nhà ở xã hội là nhà chung cư, được đầu tư xây dựng theo dự án, phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng tại xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thì được xây dựng nhà ở riêng lẻ;
    b) Trường hợp nhà ở xã hội là nhà chung cư thì căn hộ phải được thiết kế, xây dựng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội;
    c) Trường hợp nhà ở xã hội là nhà ở riêng lẻ thì phải được thiết kế, xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội;
    d) Trường hợp cá nhân xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 6 Điều 80 của Luật này thì có thể xây dựng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ hoặc nhà ở riêng lẻ theo quy định của Luật này.
    2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

    Căn cứ theo quy định trên thì nhà ở xã hội có hai loại: Nhà ở xã hội là nhà chung cư và nhà ở xã hội là nhà ở riêng lẻ. Nhà ở xã hội dạng nhà ở riêng lẻ được đầu tư xây dựng tại xã thuộc vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của Thủ tướng Chính Phủ.

    Các quy định về diện tích nhà ở xã hội là nhà chung cư và nhà ở xã hội là nhà riêng lẻ cũng có sự khác nhau. Theo đó:

    - Nhà ở xã hội là nhà chung cư thì căn hộ phải được thiết kế, xây dựng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội;

    - Nhà ở xã hội là nhà ở riêng lẻ thì phải được thiết kế, xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội.

    60