Nhà ở riêng lẻ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn hết thời hạn tồn tại mà chưa xây dựng xong thì có được tiếp tục thi công?
Nội dung chính
Nhà ở riêng lẻ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn hết thời hạn tồn tại mà chưa xây dựng xong thì có được tiếp tục thi công?
Căn cứ khoản 4 Điều 94 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định:
Điều kiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn
...
2. Công trình xây dựng được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và các khoản 3, 4 và 5 Điều 91 của Luật này.
3. Nhà ở riêng lẻ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và các điểm b, c và d khoản 1 Điều 93 của Luật này.
4. Đối với công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, khi hết thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng mà quy hoạch xây dựng có điều chỉnh kéo dài kế hoạch thực hiện thì cơ quan đã cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm thông báo về việc gia hạn thời gian tồn tại của công trình. Trường hợp chủ đầu tư tiếp tục có nhu cầu xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo thì thực hiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo thời hạn của quy hoạch xây dựng điều chỉnh.
...
Như vậy, nhà ở riêng lẻ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn hết thời hạn tồn tại mà chưa xây dựng xong mà vẫn muốn tiếp tục thi công thì có thể tiếp tục gia hạn thời gian tồn tại của công trình hoặc thực hiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo thời hạn của quy hoạch xây dựng điều chỉnh
Nhà ở riêng lẻ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn hết thời hạn tồn tại mà chưa xây dựng xong thì có được tiếp tục thi công? (Ảnh từ Internet)
Nhà ở riêng lẻ xây dựng mới thuộc khu vực có quy hoạch chi tiết và đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm thì có được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn không?
Căn cứ khoản 5 Điều 94 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định:
Điều kiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn
1. Điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng có thời hạn gồm:
a) Thuộc khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
...
5. Đối với công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì không cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc xây dựng mới mà chỉ cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để sửa chữa, cải tạo.
Trường hợp sau 03 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố mà không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Như vậy, nhà ở riêng lẻ xây dựng mới thuộc khu vực có quy hoạch chi tiết và đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm thì không được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn mà chỉ được cấp để sửa chữa, cải tạo.
Nội dung chủ yếu của giấy phép xây dựng bao gồm những gì?
Căn cứ Điều 90 Luật Xây dựng 2014 quy định:
Nội dung chủ yếu của giấy phép xây dựng
1. Tên công trình thuộc dự án.
2. Tên và địa chỉ của chủ đầu tư.
3. Địa điểm, vị trí xây dựng công trình; tuyến xây dựng công trình đối với công trình theo tuyến.
4. Loại, cấp công trình xây dựng.
5. Cốt xây dựng công trình.
6. Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng.
7. Mật độ xây dựng (nếu có).
8. Hệ số sử dụng đất (nếu có).
9. Đối với công trình dân dụng, công trình công nghiệp, nhà ở riêng lẻ, ngoài các nội dung quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều này còn phải có nội dung về tổng diện tích xây dựng, diện tích xây dựng tầng 1 (tầng trệt), số tầng (bao gồm cả tầng hầm, tầng áp mái, tầng kỹ thuật, tum), chiều cao tối đa toàn công trình.
10. Thời hạn khởi công công trình không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng.
Như vậy, nội dung chủ yếu của giấy phép xây dựng bao gồm:
- Tên công trình: Tên của công trình hoặc dự án được cấp phép, giúp xác định rõ công trình nào đang được thực hiện.
- Tên và địa chỉ của chủ đầu tư: Thông tin về người hoặc tổ chức đứng ra đầu tư và chịu trách nhiệm xây dựng công trình này.
- Địa điểm, vị trí xây dựng: Địa điểm chính xác nơi công trình sẽ được xây dựng, có thể bao gồm địa chỉ, thửa đất hoặc khu vực xây dựng. Với công trình theo tuyến (như đường, đường ống), cần ghi rõ vị trí tuyến đi qua.
- Loại, cấp công trình: Loại hình công trình (như nhà ở, nhà máy, tòa nhà thương mại,...) và cấp độ (cấp I, cấp II,...), tùy vào quy mô và tính chất công trình.
- Cốt xây dựng: Độ cao mặt nền của công trình so với mốc chuẩn để đảm bảo đúng quy hoạch và kỹ thuật.
- Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng:
+ Chỉ giới đường đỏ là ranh giới quy định đất dành cho các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật.
+ Chỉ giới xây dựng là ranh giới cho phép xây dựng công trình. Các ranh giới này giúp đảm bảo công trình tuân thủ khoảng cách an toàn và quy hoạch đô thị.
- Mật độ xây dựng: Tỷ lệ diện tích xây dựng so với diện tích lô đất, đảm bảo công trình không xây quá dày đặc trên đất.
- Hệ số sử dụng đất: Tổng diện tích sàn xây dựng so với diện tích lô đất. Quy định này giúp kiểm soát quy mô và diện tích sử dụng trên một mảnh đất.
- Thông số bổ sung cho công trình nhà ở, công nghiệp và dân dụng: Bao gồm các thông tin chi tiết như tổng diện tích xây dựng, diện tích tầng trệt, số tầng (tính cả tầng hầm, tầng áp mái,…), và chiều cao tối đa của công trình. Các thông tin này giúp xác định quy mô và hình dạng công trình.
- Thời hạn khởi công: Công trình phải bắt đầu trong vòng 12 tháng kể từ khi cấp Giấy phép xây dựng, nếu không giấy phép sẽ hết hiệu lực và cần xin cấp lại hoặc gia hạn.