Người sử dụng lao động sẽ bị phạt bao nhiêu tiền nếu yêu cầu người lao động dùng tiền để bảo đảm khi giao kết hợp đồng?

Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Người sử dụng lao động sẽ bị phạt bao nhiêu tiền nếu yêu cầu người lao động dùng tiền để bảo đảm khi giao kết hợp đồng? Giao kết hợp đồng lao động có được ủy quyền không?

Nội dung chính


    Người sử dụng lao động sẽ bị phạt bao nhiêu tiền nếu yêu cầu người lao động dùng tiền để bảo đảm khi giao kết hợp đồng?

    Tại Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động như sau:

    1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

    2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

    3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.

    Theo Khoản 2 và Khoản 3 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động như sau:

    2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

    a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hoặc chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động;

    b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;

    c) Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó.

    3. Biện pháp khắc phục hậu quả

    a) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động khi có hành vi giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên quy định tại khoản 1 Điều này;

    b) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động cho nhóm người lao động làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng khi có hành vi không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động cho nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng quy định tạikhoản 2 Điều 18 của Bộ luật Lao độngđược quy định tại khoản 1 Điều này;

    c) Buộc người sử dụng lao động giao kết đúng loại hợp đồng với người lao động đối với hành vi giao kết không đúng loại hợp đồng lao động với người lao động quy định tại khoản 1 Điều này;

    d) Buộc người sử dụng lao động trả lại bản chính giấy tờ tùy thân; văn bằng; chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

    đ) Buộc người sử dụng lao động trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

    Như vậy, việc giám đốc yêu cầu bạn dùng tiền để đảm bảo việc giao kết hợp đồng lao động là trái với quy định của pháp luật.

    Nếu bạn vẫn ký kết hợp đồng lao động đấy thì giám đốc của công ty trách nhiệm hữu hạn D sẽ bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng. Ngoài ra, giám đốc buộc phải trả lại số tiền đã yêu cầu bạn đưa cộng thêm với số tiền lãi của số tiền đấy.

    Người sử dụng lao động sẽ bị phạt bao nhiêu tiền nếu yêu cầu người lao động dùng tiền để bảo đảm khi giao kết hợp đồng?(Hình ảnh Internet)

    Giao kết hợp đồng lao động có được ủy quyền không?

    Căn cứ Điều 18 Bộ luật Lao động 2019 quy định thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động như sau:

    1. Người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

    2. Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động.

    3. Hợp đồng lao động do người được ủy quyền ký kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú và chữ ký của từng người lao động.

    4. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    a) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

    b) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

    c) Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

    d) Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.

    5. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    a) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;

    b) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;

    c) Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;

    d) Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.

    6. Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động không được ủy quyền lại cho người khác giao kết hợp đồng lao động.

    Do đó, theo quy định trên trong trường hợp nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên ký kết công việc mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động.

    38
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ