Người sử dụng lao động sa thải lao động trái pháp luật có thể bị xử lý hình sự không?
Nội dung chính
Người sử dụng lao động sa thải lao động trái pháp luật có thể bị xử lý hình sự không?
Theo quy định mới nhất của Bộ luật hình sự 2015, thì người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi như: sa thải, buộc thôi việc, ra quyết định thôi việc, cưỡng ép, đe dọa người lao động, công chức, viên chức buộc họ phải thôi việc hoặc làm cho người bị sa thải hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Đây là quy định mới và tiến bộ của BLHS 2015. Quy định này của pháp luật nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của người lao động, tránh được tình trạng người sử dụng lao động trong các công ty tư nhân hoặc cơ quan nhà nước vì động cơ cá nhân hoặc mục đích vụ lợi mà buộc công chức, viên chức, người lao động nghỉ việc trái pháp luật.
Căn cứ pháp luật:
Điều 162. Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật
- Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây làm cho người bị thôi việc, người bị sa thải hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
+ Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức;
+ Sa thải trái pháp luật đối với người lao động;
+ Cưỡng ép, đe dọa buộc người lao động, công chức, viên chức phải thôi việc.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
+ Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
+ Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.