Năm 2025, phí trích đo bản đồ địa chính là bao nhiêu? Ý nghĩa của việc trích đo bản đồ địa chính là gì?
Nội dung chính
Phí trích đo bản đồ địa chính là bao nhiêu?
Theo Mục I tại Phụ lục Biểu mức thu phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai từ hệ thống thông tin quốc gia về đất đai kèm theo Thông tư 56/2024/TT-BTC, chi phí trích đo bản đồ địa chính trên Hệ thống thông tin Quốc gia về đất đai từ 01/8/2024 được quy định như sau:
Số TT | Loại tài liệu | Đơn vị tính | Mức thu (đồng) | Ghi chú |
4 | Bản đồ địa chính | Mảnh tỷ lệ 1:200 | 150.000 | - Mức thu tính cho mảnh bản đồ dạng số Vector. Trường hợp mảnh bản đồ dạng ảnh Raster (geoPDF, PDF, geoTIFF, TIFF, EPS, ECW, JPG) thì mức thu tính bằng 50% mức thu mảnh bản đồ Vector cùng tỷ lệ - Trường hợp mảnh trích đo địa chính thì mức thu tính bằng mức thu mảnh bản đồ dạng số Vector cùng tỷ lệ |
Mảnh tỷ lệ 1:500 | 200.000 | |||
Mảnh tỷ lệ 1:1.000 | 250.000 | |||
Mảnh tỷ lệ 1:2.000 | 500.000 | |||
Mảnh tỷ lệ 1:5.000 | 750.000 | |||
Mảnh tỷ lệ 1:10.000 | 1.000.000 |
Như vậy, phí trích đo bản đồ địa chính tùy thuộc vào tỷ lệ và định dạng bản đồ.
Phí trích đo bản đồ địa chính là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Ý nghĩa của việc trích đo bản đồ địa chính là gì?
Căn cứ khoản 5 và khoản 6 Điều 3 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, khái niệm trích đo địa chính được quy định như sau:
- Trích đo địa chính thửa đất là việc đo đạc địa chính riêng đối với thửa đất tại nơi chưa có bản đồ địa chính để phục vụ yêu cầu quản lý đất đai.
- Mảnh trích đo địa chính là bản vẽ thể hiện kết quả trích đo địa chính thửa đất.
Như vậy, trích đo địa chính thửa đất giúp xác định vị trí, hình dạng, và diện tích của thửa đất trên thực địa, qua đó làm rõ ranh giới giữa các thửa đất lân cận và giảm thiểu nguy cơ tranh chấp đất đai.
Việc này hỗ trợ quá trình đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ), lập hồ sơ địa chính, và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
Đồng thời, theo Điều 3 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì bản đồ địa chính được lập để:
- Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai;
- Thống kê, kiểm kê đất đai; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao/cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất; trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; điều tra, đánh giá đất đai;
- Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất; xử lý vi phạm pháp luật đất đai và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai;
- Các mục đích quản lý đất đai khác theo quy định của pháp luật.
Thông tin từ bản trích đo được sử dụng chủ yếu cho công tác quản lý và lập hồ sơ địa chính nhằm bảo đảm quyền lợi cho người sử dụng đất và hỗ trợ cơ quan nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý đất đai.
Người yêu cầu thực hiện trích đo bản đồ địa chính có thể nộp phí qua đâu?
Theo tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 74/2022/TT-BTC, người yêu cầu thực hiện trích đo bản đồ địa chính có thể nộp phí qua:
- Tài khoản chuyên thu phí, lệ phí của tổ chức thu phí, lệ phí.
- Trường hợp do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thu: Nộp vào tài khoản hoặc tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước.
- Nộp tiền mặt cho tổ chức thu phí, lệ phí.
Thực tế khi liên hệ cơ quan, tổ chức để thực hiện thủ tục trích đo bản đồ địa chính thì người yêu cầu sẽ được hướng dẫn cách thức nộp phí.