Luật Ngân sách Nhà Nước mới nhất 2025 là luật nào? Năm 2025 áp dụng Luật Ngân sách Nhà Nước nào?
Nội dung chính
Luật Ngân sách Nhà Nước mới nhất 2025 là luật nào? Năm 2025 áp dụng Luật Ngân sách Nhà Nước nào?
Luật Ngân sách Nhà Nước mới nhất 2025 là Luật Ngân sách Nhà Nước 2015.
Luật Ngân sách Nhà Nước 2015 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25 tháng 6 năm 2015. Luật này có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017 và năm 2025 hiện nay vẫn đang áp dụng Luật Ngân sách Nhà Nước 2015.
Luật này quy định về lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán, giám sát ngân sách nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực ngân sách nhà nước.
Theo quy định tại Điều 2 Luật Ngân sách Nhà nước 2015 quy định áp dụng cho các đối tượng như sau:
- Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội.
- Các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo nhiệm vụ Nhà nước giao.
- Các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến ngân sách nhà nước.
Như vậy, Luật Ngân sách Nhà Nước mới nhất 2025 là Luật Ngân sách Nhà Nước 2015.
Luật Ngân sách Nhà Nước mới nhất 2025 là luật nào? Năm 2025 áp dụng Luật Ngân sách Nhà Nước nào? (Ảnh từ Internet)
Tiền cho thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có phải là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Ngân sách Nhà nước 2015 như sau:
Nguồn thu của ngân sách địa phương
1. Các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%:
a) Thuế tài nguyên, trừ thuế tài nguyên thu từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu, khí;
b) Thuế môn bài;
c) Thuế sử dụng đất nông nghiệp;
d) Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp;
đ) Tiền sử dụng đất, trừ thu tiền sử dụng đất tại điểm k khoản 1 Điều 35 của Luật này;
e) Tiền cho thuê đất, thuê mặt nước;
g) Tiền cho thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
h) Lệ phí trước bạ;
i) Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết;
k) Các khoản thu hồi vốn của ngân sách địa phương đầu tư tại các tổ chức kinh tế; thu cổ tức, lợi nhuận được chia tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đại diện chủ sở hữu; thu phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đại diện chủ sở hữu;
l) Thu từ quỹ dự trữ tài chính địa phương;
m) Thu từ bán tài sản nhà nước, kể cả thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý;
n) Viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho địa phương;
o) Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do các cơ quan nhà nước địa phương thực hiện, trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ; các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đại diện chủ sở hữu thì được phép trích lại một phần hoặc toàn bộ, phần còn lại thực hiện nộp ngân sách theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan;
p) Lệ phí do các cơ quan nhà nước địa phương thực hiện thu;
q) Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật do các cơ quan nhà nước địa phương thực hiện;
r) Thu từ tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương xử lý;
s) Thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi công sản khác;
t) Huy động đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;
u) Thu kết dư ngân sách địa phương;
v) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, tiền cho thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có là một trong những khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%.
Dự phòng ngân sách nhà nước được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 10 Luật Ngân sách Nhà nước 2015 quy định về dự phòng ngân sách nhà nước như sau:
(1) Mức bố trí dự phòng từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách mỗi cấp.
(2) Dự phòng ngân sách nhà nước sử dụng để:
- Chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói; nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp mình mà chưa được dự toán;
- Chi hỗ trợ cho ngân sách cấp dưới để thực hiện nhiệm vụ quy định tại điểm a khoản này, sau khi ngân sách cấp dưới đã sử dụng dự phòng cấp mình để thực hiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu;
- Chi hỗ trợ các địa phương khác theo quy định tại điểm c khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách Nhà nước 2015.
(3) Thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước:
- Chính phủ quy định thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng ngân sách trung ương, định kỳ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội việc sử dụng dự phòng ngân sách trung ương và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất;
- Ủy ban nhân dân các cấp quyết định sử dụng dự phòng ngân sách cấp mình, định kỳ báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.