Lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần căn cứ nhu cầu sử dụng đất hay không?

Lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần căn cứ nhu cầu sử dụng đất hay không? Quy hoạch sử dụng đất quốc gia gồm những nội dung nào?

Nội dung chính

    Lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần căn cứ nhu cầu sử dụng đất hay không?

    Căn cứ quy định tại Điều 64 Luật Đất đai 2024 như sau:

    Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia
    1. Căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia bao gồm:
    a) Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; quy hoạch tổng thể quốc gia; chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực;
    b) Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội;
    c) Hiện trạng sử dụng đất, biến động đất đai, chất lượng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia kỳ trước;
    d) Nhu cầu, khả năng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương;
    đ) Tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất.
    2. Nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
    3. Căn cứ lập kế hoạch sử dụng đất quốc gia bao gồm:
    a) Quy hoạch sử dụng đất quốc gia;
    b) Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn của cả nước;
    c) Nhu cầu, khả năng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương;
    d) Kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ trước;
    đ) Khả năng đầu tư, huy động nguồn lực.
    4. Nội dung kế hoạch sử dụng đất quốc gia xác định diện tích các loại đất theo chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia theo từng thời kỳ kế hoạch sử dụng đất 05 năm.
    5. Xây dựng và cập nhật dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

    Như vậy, như cầu, khả năng sử dụng đất của các nghành, lĩnh vực, địa phương là một trong những căn cứ để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

    Lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần căn cứ nhu cầu sử dụng đất hay không?

    Lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần căn cứ nhu cầu sử dụng đất hay không? (Hình từ Internet) 

    Quy hoạch sử dụng đất quốc gia gồm những nội dung nào?

    Theo quy định tại Điều 24 Luật Quy hoạch 2017, sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 243 Luật Đất đai 2024 thì nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia xác định việc phân bổ và tổ chức không gian sử dụng đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực mang tính liên vùng, liên tỉnh.

    Trong đó, quy hoạch sử dụng đất quốc gia bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

    - Phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực;

    - Dự báo xu thế biến động của việc sử dụng đất;

    - Xác định các quan điểm và mục tiêu sử dụng đất trong thời kỳ mới;

    - Định hướng sử dụng đất quốc gia, vùng kinh tế - xã hội, tầm nhìn sử dụng đất đáp ứng nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu;

    - Xác định các chỉ tiêu sử dụng đất đối với nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp; trong đó xác định diện tích một số loại đất gồm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất quốc phòng, đất an ninh;

    - Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.

    Thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định ra sao?

    Thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định tại Điều 71 Luật Đất đai 2024 như sau:

    (1) Thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định như sau:

    - Thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch;

    - Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định kế hoạch sử dụng đất quốc gia.

    Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Hội đồng thẩm định trong quá trình thẩm định kế hoạch sử dụng đất quốc gia;

    - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và giao đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp Hội đồng thẩm định trong quá trình thẩm định quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;

    - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đối với các thành phố trực thuộc Trung ương không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; giao đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giúp Hội đồng thẩm định trong quá trình thẩm định kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

    (2) Nội dung thẩm định quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện bao gồm:

    - Cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học để lập quy hoạch sử dụng đất;

    - Mức độ phù hợp của quy hoạch sử dụng đất với nội dung quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

    - Hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường;

    - Tính khả thi của quy hoạch sử dụng đất.

    (3) Nội dung thẩm định kế hoạch sử dụng đất bao gồm:

    - Căn cứ, nội dung lập kế hoạch sử dụng đất;

    - Mức độ phù hợp của kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị;

    - Tính khả thi của kế hoạch sử dụng đất.

    (4) Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định và gửi thông báo kết quả thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại Điều 69 của Luật này; cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tiếp thu, giải trình theo nội dung thông báo kết quả thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

    Trường hợp cần thiết, Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, khảo sát thực địa các khu vực dự kiến chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

    (5) Việc thẩm định quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

    11