Làm hợp đồng tặng cho đất nhưng không sang tên sổ đỏ sẽ bị phạt như thế nào theo quy định hiện nay?

Làm hợp đồng tặng cho đất nhưng không sang tên sổ đỏ sẽ bị phạt như thế nào theo quy định hiện nay? Thủ tục sang tên sổ đỏ khi nhận tặng cho đất gồm những gì?

Nội dung chính

    Thủ tục sang tên sổ đỏ khi nhận tặng cho đất gồm những gì?

    Căn cứ theo điểm a khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai năm 2024 về quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất quy định như sau:

    Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất
    ...
    3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
    a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

    Như vậy, thủ tục sang tên sổ đỏ trước tiên cần công chứng hợp đồng tặng cho đất và phải được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng. Điều này không chỉ là thủ tục bắt buộc mà còn đảm bảo tính pháp lý và minh bạch của quá trình sang tên. Đối với người sử dụng đất, việc thực hiện thủ tục này là trách nhiệm và nên được tiến hành một cách nhanh chóng và chính xác. Sau khi 2 bên đã ký hợp đồng tặng cho đất đã công chứng, nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện để đăng ký biến động.

    Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 133 Luật Đất đai 2024 về đăng ký biến động quy định như sau:

    Đăng ký biến động

    1. Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà có thay đổi sau đây:

    a) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất trong dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng; chuyển nhượng dự án có sử dụng đất;

    Như vậy, người sử dụng đất thực hiện quyền tặng cho sau khi ký hợp đồng tặng cho đất thuộc trường hợp phải đăng ký biến động.

    Căn cứ theo khoản 3 Điều 133 Luật Đất đai 2024 về đăng ký biến động quy định như sau:

    Đăng ký biến động
    ...
    3. Các trường hợp đăng ký biến động quy định tại các điểm a, b, i, k, l, m và q khoản 1 Điều này thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải đăng ký biến động tại cơ quan có thẩm quyền; trường hợp thi hành án thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày bàn giao tài sản thi hành án, tài sản bán đấu giá; trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

    Như vậy, nếu người sử dụng đất trong vòng 30 ngày ký hợp đồng tặng cho đất mà không đăng ký biến động, họ có thể phải đối mặt với các hậu quả pháp lý không đáng có và mất quyền lợi đối với tài sản của mình. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức và thực hiện thủ tục sang tên một cách đúng đắn và kịp thời.

    Làm hợp đồng tặng cho đất nhưng không sang tên sổ đỏ sẽ bị phạt như thế nào theo quy định hiện nay?

    Làm hợp đồng tặng cho đất nhưng không sang tên sổ đỏ sẽ bị phạt như thế nào theo quy định hiện nay? (Hình từ Internet)

    Không sang tên sổ đỏ khi tặng cho đất thì có bị phạt không?

    Căn cứ theo khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về việc không đăng ký đất đai quy định như sau:

    Không đăng ký đất đai
    1. Trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 95 của Luật đất đai tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
    a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu;
    b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu.
    2. Trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại các điểm a, b, h, i, k và l khoản 4 Điều 95 của Luật đất đai tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
    a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai mà không thực hiện đăng ký biến động;
    b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai mà không thực hiện đăng ký biến động.
    3. Trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

    Như vậy, mức xử phạt đối với hành vi không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu tại khu vực nông thôn là: Phạt cảnh cáo hoặc phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu vi phạm quá thời hạn 24 tháng; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu. Hành vi không thực hiện đăng ký biến động đất đai tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt là: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong thời gian 24 tháng; Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn mà không thực hiện đăng ký biến động. Trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng. 

      Căn cứ theo điểm b khoản 4 Điều 5 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả quy định như sau:

      Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả
      ...
      4. Việc áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp có giao dịch về quyền sử dụng đất như sau:
      ...
      b) Trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất mà không đăng ký biến động đất đai thì xử phạt vi phạm hành chính đối với cả hai bên chuyển đổi quyền sử dụng đất. Trường hợp chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà không đăng ký biến động đất đai thì xử phạt vi phạm hành chính đối với bên nhận chuyển quyền sử dụng đất. Trường hợp cho thuê, thế chấp bằng quyền sử dụng đất mà không đăng ký biến động đất đai thì xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng đất đã cho thuê, đã thế chấp.
      Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm này, bên chuyển quyền và bên nhận chuyển quyền còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định tại Nghị định này.

      Như vậy, việc tặng cho nhà đất mà không đăng ký biến động đất đai là hành vi vi phạm pháp luật và bên nhận chuyển quyền sử dụng đất sẽ phải chịu xử phạt vi phạm hành chính. 

      Hợp đồng tặng cho bất động sản có bị vô hiệu khi không sang tên sổ đỏ không?

      Trong quá trình chuyển nhượng đất, việc thực hiện tặng cho đất theo đúng trình tự và thủ tục pháp luật là rất quan trọng để đảm bảo tính chính xác và hợp pháp của giao dịch. Hợp đồng tặng cho chỉ vô hiệu khi có hành vi phạm các quy định cấm của pháp luật, trái với đạo đức xã hội hoặc do người thực hiện hợp đồng không đủ năng lực hành vi dân sự như người chưa thành niên hoặc người mất năng lực hành vi dân sự.

      Còn việc không thực hiện đăng ký biến động hay còn gọi là sang tên sổ đỏ theo quy định sẽ dẫn đến việc người nhận tặng cho chưa được xem là người sử dụng đất, chưa thế thực hiện các quyền của người sử dụng đất và sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.

      Vì vậy, đã ký hợp đồng tặng cho bất động sản nhưng chưa thực hiện sang tể sổ đỏ thì chưa đủ căn cứ để dẫn đến hợp đồng tặng cho này bị vô hiệu.

      8