Khi chủ sở hữu tiến hành bảo trì nhà ở riêng lẻ mà bên thuê nhà phải chuyển chỗ ở thì xử lý như thế nào?

Chủ sở hữu có quyền và nghĩa vụ gì khi bảo trì nhà ở riêng lẻ? Khi chủ sở hữu tiến hành bảo trì nhà ở riêng lẻ mà bên thuê nhà phải chuyển chỗ ở thì xử lý như thế nào?

Nội dung chính

    Chủ sở hữu có quyền và nghĩa vụ gì khi bảo trì nhà ở riêng lẻ?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 thì nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân hoặc trên đất thuê, đất mượn của tổ chức, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập, được xây dựng với mục đích để ở hoặc mục đích sử dụng hỗn hợp.

    Và tại khoản 17 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 thì bảo trì nhà ở được hiểu là duy tu, bảo dưỡng theo định kỳ và sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nhằm duy trì chất lượng, hoạt động bình thường, an toàn của nhà ở trong quá trình khai thác, sử dụng.

    Theo đó, căn cứ tại Điều 134 Luật Nhà ở 2023 thì quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở riêng lẻ trong việc bảo trì nhà ở được quy định như sau:

    (1) Chủ sở hữu nhà ở có các quyền sau đây trong việc bảo trì nhà ở:

    -  Được tự thực hiện việc bảo trì, cải tạo hoặc thuê tổ chức, cá nhân thực hiện bảo trì, cải tạo; trường hợp pháp luật quy định phải do tổ chức, cá nhân có năng lực thực hiện thì phải thuê đơn vị, cá nhân có năng lực thực hiện bảo trì, cải tạo;

    - Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng trong trường hợp cải tạo nhà ở phải có giấy phép xây dựng, tạo điều kiện cho việc bảo trì, cải tạo nhà ở khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về xây dựng;

    - Quyền khác theo quy định của pháp luật.

    (2) Chủ sở hữu nhà ở có các nghĩa vụ sau đây trong việc bảo trì nhà ở:

    - Chấp hành quy định của pháp luật về bảo trì, cải tạo nhà ở; tạo điều kiện cho chủ sở hữu nhà ở khác thực hiện việc bảo trì, cải tạo nhà ở của họ;

    - Bồi thường cho tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp gây thiệt hại;

    - Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

    Khi chủ sở hữu tiến hành bảo trì nhà ở riêng lẻ mà bên thuê nhà phải chuyển chỗ ở thì xử lý như thế nào?

    Bảo trì nhà ở riêng lẻ khi đang cho thuê ( Hình từ Internet)

    Khi chủ sở hữu tiến hành bảo trì nhà ở riêng lẻ mà bên thuê nhà phải chuyển chỗ ở thì xử lý như thế nào?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 132 Luật Nhà ở 2023 thì chủ sở hữu nhà ở riêng lẻ (bên cho thuê nhà) có quyền bảo trì nhà ở khi có sự đồng ý của bên thuê nhà ở, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc vì lý do bất khả kháng.

    Tuy nhiên, khi chủ sở hữu nhà ở tiến hành bảo trì nhà ở mà bên thuê nhà phải chuyển chỗ ở thì xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 132 Luật Nhà ở 2023 như sau:

    + Các bên thỏa thuận về chỗ ở tạm và tiền thuê nhà ở trong thời gian bảo trì. 

    + Nếu bên thuê nhà ở tự lo chỗ ở và đã trả trước tiền thuê nhà ở cho cả thời gian bảo trì thì chủ sở hữu nhà ở phải thanh toán lại số tiền này cho bên thuê nhà ở. 

    Lưu ý: Thời gian bảo trì không tính vào thời hạn của hợp đồng thuê nhà ở. Bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê nhà ở sau khi kết thúc việc bảo trì nhà ở.

    Bên thuê nhà ở riêng lẻ có thể yêu cầu chủ sở hữu bảo trì nhà ở khi bị hư hỏng do mình gây ra không?

    Căn cứ khoản 4 Điều 132 Luật Nhà ở 2023 thì bên thuê nhà ở riêng lẻ có quyền yêu cầu bên cho thuê nhà ở bảo trì nhà ở, tuy nhiên không áp dụng đối với trường hợp nhà ở bị hư hỏng do bên thuê gây ra.

    Trường hợp bên cho thuê không bảo trì nhà ở thì bên thuê được quyền bảo trì nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên cho thuê biết trước ít nhất 15 ngày, trong đó ghi rõ mức độ bảo trì và kinh phí thực hiện. 

    Bên cho thuê nhà ở phải thanh toán kinh phí bảo trì cho bên thuê nhà ở hoặc trừ dần vào tiền thuê nhà ở.

    18