Khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật dự toán đo đạc lập bản đồ địa chính quy định như thế nào?
Nội dung chính
Khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật dự toán đo đạc lập bản đồ địa chính quy định như thế nào?
Ngày 26/11/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 26/2024/TT-BTNMT Quy định kỹ thuật về đo đạc lập bản đồ địa chính.
Lưu ý, Thông tư 26/2024/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 15/01/2025.
Căn cứ theo Điều 9 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT quy định về khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật dự toán đo đạc lập bản đồ địa chính cụ thể như sau:
(1) Việc khảo sát để thu thập tài liệu, số liệu, thông tin có liên quan đến khu đo phục vụ lập thiết kế kỹ thuật - dự toán đo đạc lập bản đồ địa chính, được thực hiện tại các cơ quan, đơn vị có liên quan đến đo đạc lập bản đồ địa chính và tại thực địa, do đơn vị lập thiết kế kỹ thuật - dự toán chủ trì thực hiện, gồm:
- Rà soát, xác định, thu thập số liệu, tình hình quản lý tài liệu tại khu đo, gồm: khu vực đã có bản đồ địa chính; khu vực đã có bản đồ địa chính cần đo lại, cần chỉnh lý, cần đo bổ sung, cần số hóa, cần chuyển hệ tọa độ và khu vực chưa có bản đồ địa chính;
- Rà soát, xác định, thu thập số liệu, tình hình quản lý tài liệu tại khu đo và khu vực lân cận đối với hệ thống lưới khống chế tọa độ từ cấp hạng tương đương lưới địa chính trở lên;
- Thu thập tài liệu, số liệu, thông tin thể hiện tình hình quản lý, sử dụng đất đai tại khu đo;
- Thu thập thông tin, số liệu về đặc điểm tự nhiên, tình hình kinh tế - xã hội và các nội dung khác liên quan đến xác định phạm vi, nhiệm vụ thực hiện;
- Trường hợp có khu vực cần đo đạc lập lại bản đồ địa chính thì tài liệu khảo sát phải có xác nhận của Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi có đất.
(2) Phân tích, đánh giá từ kết quả khảo sát để xác định phạm vi, hạng mục, khối lượng nhiệm vụ và các khó khăn vướng mắc nếu có, lập và ký xác nhận báo cáo khảo sát.
(3) Lập thiết kế kỹ thuật - dự toán, gồm các nội dung chính sau:
- Sự cần thiết;
- Cơ sở pháp lý;
- Mục tiêu, yêu cầu, phạm vi nhiệm vụ;
- Đặc điểm tình hình tự nhiên, kinh tế, xã hội, hiện trạng sử dụng đất của địa phương nơi thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính;
- Tình hình đo đạc lập bản đồ địa chính của địa phương; hiện trạng và khả năng sử dụng tài liệu đo đạc và bản đồ, gồm bản đồ địa chính, trích đo bản đồ địa chính, bản đồ địa hình, tài liệu ảnh, các loại tài liệu, bản đồ khác và hồ sơ địa giới đơn vị hành chính;
- Hiện trạng nguồn nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật, năng lực thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính của cơ quan có chức năng quản lý đất đai của địa phương và các đơn vị thuộc nếu có;
- Xác định khối lượng từng hạng mục công việc;
+ Đối với trường hợp lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp quy định tại Điều 181 Luật Đất đai 2024 thì căn cứ tình hình thực tế, xác định các vị trí, khu vực, số lượng và mật độ mốc ranh giới cần thực hiện cắm trên thực địa.
- Thiết kế và giải pháp kỹ thuật;
- Dự toán kinh phí;
- Đánh giá tính khả thi và rủi ro thực hiện;
- Đóng gói, giao nộp sản phẩm;
- Tổ chức thực hiện.
Khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật dự toán đo đạc lập bản đồ địa chính quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Lập phương án nhiệm vụ đo đạc lập bản đồ địa chính như thế nào?
Căn cứ theo Điều 10 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT quy định về lập phương án nhiệm vụ đo đạc lập bản đồ địa chính cụ thể như sau:
(1) Phương án nhiệm vụ đo đạc lập bản đồ địa chính được lập trên cơ sở đánh giá, phân tích các tài liệu, số liệu, thông tin có liên quan đến nhiệm vụ.
(2) Nội dung chính của phương án nhiệm vụ gồm:
- Căn cứ lập phương án nhiệm vụ;
- Mục tiêu, yêu cầu, phạm vi nhiệm vụ;
- Xác định khối lượng từng hạng mục công việc;
- Giải pháp kỹ thuật thực hiện.
+ Đối với trường hợp trích đo bản đồ địa chính thì trong phương án nhiệm vụ phải có giải pháp biên tập mảnh bản đồ địa chính có thửa đất trích đo và mảnh trích đo bản đồ địa chính;
- Kinh phí thực hiện;
- Ký xác nhận sản phẩm, đóng gói, giao nộp;
- Tổ chức thực hiện.