Hướng dẫn thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện mới nhất năm 2025

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Ngọc Huyền
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Trường hợp nào được giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện và hướng dẫn thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện

Nội dung chính

    Trường hợp nào được giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện

    Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 236 Luật Đất đai 2024, tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (Sổ đỏ, Sổ hồng) hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024 thì các bên tranh chấp được lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 236 Luật Đất đai 2024.

    Dẫn chiếu tới quy định tại khoản 3 Điều 236 Luật Đất đai 2024, trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.

    Đồng thời, trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp đất đai là tổ chức, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết.

    Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong trường hợp sau:

    (1) Giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp huyện trong trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau mà các bên không có Sổ đỏ, Sổ hồng hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất.

    (2) Giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong trường hợp cả hai bên tranh chấp không có Sổ đỏ, Sổ hồng hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất và một bên tranh chấp là tổ chức, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

    Hướng dẫn thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện mới nhất năm 2025

    Hướng dẫn thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện mới nhất năm 2025 (Hình từ Internet)

    Hướng dẫn thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp huyện

    Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp huyện được quy định tại tiểu mục 21 Mục C Phần II Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kèm theo Quyết định 2124/QĐ-BTNMT năm 2024, cụ thể như sau:

    (1) Trình tự thực hiện:

    - Người có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp nộp đơn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện.

    - Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn phải thông báo bằng văn bản cho các bên tranh chấp đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp về việc thụ lý đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, trường hợp không thụ lý thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

    - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao trách nhiệm cơ quan tham mưu giải quyết.

    - Cơ quan tham mưu có nhiệm vụ thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai (nếu cần thiết) và hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.

    - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định giải quyết tranh chấp hoặc quyết định công nhận hòa giải thành, gửi cho các bên tranh chấp, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.

    (2) Cách thức thực hiện:

    Người có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp gửi đơn Ủy ban nhân dân cấp huyện thông qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc trực tiếp tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện.

    (3) Thành phần, số lượng hồ sơ:

    Thành phần hồ sơ

    - Đơn yêu cầu yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai (bản chính);

    - Biên bản hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã (bản phô tô hoặc có công chức hoặc có chứng thực).

    - Các giấy tờ có liên quan đến việc sử dụng đất (bản phô tô hoặc có công chức hoặc có chứng thực).

    Số lượng hồ sơ: 01 bộ

    (4) Thời hạn giải quyết:

    Thời hạn giải quyết: không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai; thời gian này không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật.

    Đối với các xã miền núi, biên giới; đảo; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 10 ngày.

    Hướng dẫn thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

    Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định tại tiểu mục 42 Mục B Phần II Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kèm theo Quyết định 2124/QĐ-BTNMT năm 2024, cụ thể như sau:

    (1) Trình tự thực hiện:

    - Người có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp nộp đơn tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

    - Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn phải thông báo bằng văn bản cho các bên tranh chấp đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp về việc thụ lý đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, trường hợp không thụ lý thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

    - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao trách nhiệm cơ quan tham mưu giải quyết.

    - Cơ quan tham mưu có nhiệm vụ thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai (nếu cần thiết) và hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.

    - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định giải quyết tranh chấp hoặc quyết định công nhận hòa giải thành, gửi cho các bên tranh chấp, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.

    (2) Cách thức thực hiện:

    - Người có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc trực tiếp tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh.

    (3) Thành phần, số lượng hồ sơ:

    Thành phần hồ sơ

    - Đơn yêu cầu yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai (bản chính);

    - Biên bản hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã (bản phô tô hoặc có công chức hoặc có chứng thực).

    - Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (bản phô tô hoặc có công chức hoặc có chứng thực).

    - Các giấy tờ có liên quan đến việc sử dụng đất (bản phô tô hoặc có công chức hoặc có chứng thực).

    Số lượng hồ sơ: 01 bộ

    (4) Thời hạn giải quyết:

    - Thời hạn giải quyết không quá 60 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai; Thời gian này không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật.

    - Đối với các xã miền núi, biên giới; đảo; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 10 ngày.

    22
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ