Giao đất trong khu công nghệ cao được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Giao đất trong khu công nghệ cao được quy định như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2, 3 Điều 95 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì việc giao đất trong khu công nghệ cao được thực hiện như sau:
(1) Đối với khu công nghệ cao có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật được ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng toàn bộ thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đất, cho thuê đất đối với người sử dụng đất trong khu công nghệ cao.
(2) Đối với khu công nghệ cao có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật được ngân sách nhà nước đầu tư một phần và một phần từ chủ đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc giao đất, cho thuê đất trong khu công nghệ cao theo quy định sau đây:
- Cho nhà đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng thuê đất đối với diện tích xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đất sử dụng vào mục đích công cộng theo quy hoạch phân khu xây dựng trong phạm vi khu vực dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng.
Nhà đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng được cho thuê hạ tầng do mình đầu tư sau khi đã hoàn thành xây dựng đồng bộ theo các giai đoạn dự án đầu tư được phê duyệt;
- Đối với phần diện tích phục vụ các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, không bao gồm diện tích đất quy định tại điểm a khoản 3 Điều 95 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đất, cho thuê đất cho người sử dụng đất trong khu công nghệ cao.
Giao đất trong khu công nghệ cao được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất hay không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 123 Luật Đất đai 2024 quy định về thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc giao đất, cho thuê đất như sau:
Điều 123. Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
[…]
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với cá nhân. Trường hợp cho cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 ha trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định;
b) Giao đất đối với cộng đồng dân cư.
[…]
Như vậy, theo quy định của Luật Đất đai 2024 thì Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp như: giao đất hoặc cho thuê cho cá nhân, trong đó nếu cho thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 ha trở lên cần có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; và giao đất cho cộng đồng dân cư.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư chuyển giao công nghệ cao như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 88 Nghị định 156/2018/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ đầu tư quy định như sau:
Điều 88. Chính sách hỗ trợ đầu tư
Ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư cho các hoạt động sau đây:
1. Chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, khuyến lâm và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững
a) Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong: thâm canh rừng trồng cung cấp gỗ lớn, trồng cây bản địa, trồng rừng hỗn loài; hiện đại hóa quy trình sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác rừng; khai thác, vận chuyển, chế biến và bảo quản lâm sản; công nghiệp hỗ trợ trong chế biến lâm sản;
b) Nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển rừng bền vững; phát triển mô hình sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp;
c) Chuyển giao công nghệ và kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực lâm nghiệp vào sản xuất, kinh doanh, quản lý lâm nghiệp;
d) Đào tạo, thử nghiệm, chuyển giao, vận hành công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, các hoạt động khuyến lâm;
đ) Xây dựng phương án, triển khai công tác quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng sản xuất.
[...]
Như vậy, ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư cho hoạt động chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, khuyến lâm và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cụ thể:
- Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong các lĩnh vực:
+ Thâm canh rừng trồng cung cấp gỗ lớn, trồng cây bản địa, rừng hỗn loài.
+ Hiện đại hóa quy trình sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác rừng.
+ Khai thác, vận chuyển, chế biến và bảo quản lâm sản, phát triển công nghiệp hỗ trợ trong chế biến lâm sản.
- Nghiên cứu và đổi mới mô hình sản xuất lâm nghiệp:
+ Phát triển các mô hình sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển rừng bền vững.
+ Tạo ra các mô hình kết hợp sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp.
- Chuyển giao công nghệ và kết quả nghiên cứu: Chuyển giao công nghệ, các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực lâm nghiệp vào sản xuất, kinh doanh và quản lý lâm nghiệp.
- Đào tạo, thử nghiệm và chuyển giao: Đào tạo, thử nghiệm và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong lâm nghiệp và các hoạt động khuyến lâm.
- Quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ:
+ Xây dựng và triển khai phương án quản lý rừng bền vững.
+ Thực hiện cấp chứng chỉ cho các khu vực rừng sản xuất theo tiêu chuẩn quản lý bền vững.