Giảm trách nhiệm về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng khi kiểm tra công tác nghiệm thu?
Nội dung chính
Kiểm tra công tác nghiệm thu có làm giảm trách nhiệm của chủ đầu tư về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng không?
Căn cứ khoản 7 Điều 24 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng
...
7. Việc kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này không thay thế, không làm giảm trách nhiệm của chủ đầu tư về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và trách nhiệm của các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng về chất lượng công trình xây dựng đối với phần việc do mình thực hiện theo quy định của pháp luật.
8. Chi phí cho việc kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng do chủ đầu tư lập dự toán, thẩm định, phê duyệt và được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình.
9. Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn về chi phí kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình.
Như vậy, việc kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 06/2021/NĐ-CP không thay thế, không làm giảm trách nhiệm của chủ đầu tư về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và trách nhiệm của các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng về chất lượng công trình xây dựng đối với phần việc do mình thực hiện theo quy định của pháp luật.
Giảm trách nhiệm về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng khi kiểm tra công tác nghiệm thu? (Hình từ Internet)
Bộ Xây dựng có trách nhiệm gì về quản lý chất lượng công trình xây dựng?
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 52 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Trách nhiệm thi hành
1. Bộ Xây dựng:
a) Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này;
b) Ban hành và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền về quản lý chất lượng công trình xây dựng, an toàn trong thi công xây dựng công trình và hướng dẫn thi hành Nghị định này;
c) Thực hiện quản lý nhà nước về những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này đối với công trình chuyên ngành thuộc thẩm quyền quản lý; tổ chức kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ các quy định của Nghị định này của các bộ, ngành, địa phương, các chủ thể tham gia xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng công trình; kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng và an toàn trong thi công xây dựng công trình khi cần thiết;
d) Yêu cầu, đôn đốc các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện kiểm tra sự tuân thủ các quy định của Nghị định này theo thẩm quyền;
đ) Hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng; ban hành định mức bảo trì công trình xây dựng trừ định mức bảo dưỡng đối với các công trình chuyên ngành.
...
Theo đó, Bộ Xây dựng có trách nhiệm ban hành và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền về quản lý chất lượng công trình xây dựng, an toàn trong thi công xây dựng công trình và hướng dẫn thi hành Nghị định 06/2021/NĐ-CP.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng là gì?
Căn cứ Điều 2 Quyết định 512/QĐ-TTg năm 2021 thì Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
(1) Nhiệm vụ:
- Kiểm tra công tác nghiệm thu bao gồm: định kỳ hoặc đột xuất trong quá trình thi công xây dựng; tại các giai đoạn chuyển bước thi công quan trọng và khihoàn thành thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình để đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định tại Điều 6 Quyết định 512/QĐ-TTg năm 2021;
- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ hàng năm về kết quả hoạt động của Hội đồng, tình hình triển khai thi công xây dựng, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng; báo cáo đột xuất về những vấn đề kỹ thuật phát sinh, các khó khăn, vướng mắc, bất cập vượt thẩm quyền cần có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;
- Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các công trình Hội đồng tổ chức kiểm tra hàng năm;
- Ban hành quy chế hoạt động làm cơ sở để triển khai các công việc của Hội đồng và các tổ chức, cá nhân giúp việc cho Hội đồng;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.
(2) Quyền hạn:
- Yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu và các cơ quan, tổ chức có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho hoạt động của Hội đồng;
- Chủ trì hoặc yêu cầu chủ đầu tư, các cơ quan, tổ chức liên quan giải quyết các vấn đề tồn tại hoặc xử lý các vấn đề kỹ thuật phát sinh được Hội đồng phát hiện trong quá trình kiểm tra công trình;
- Yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công đối với các tổ chức, cá nhân liên quan khi phát hiện chất lượng thi công xây dựng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công không đảm bảo an toàn, có nguy cơ xảy ra sự cố công trình xây dựng; đình chỉ tham gia xây dựng công trình đối với cá nhân liên quan không đáp ứng điều kiện hành nghề theo quy định;
- Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình;
- Yêu cầu chủ đầu tư tổ chức lựa chọn các tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài có chuyên môn, kinh nghiệm và năng lực phù hợp theo quy định của pháp luật để tư vấn, giải quyết các vấn đề kỹ thuật phát sinh hoặc kiểm định chất lượng công trình.