Điều kiện huy động vốn phát triển nhà ở thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu được quy định như thế nào?

Huy động vốn phát triển nhà ở bằng hình thức nào? Nguyên tắc huy động vốn phát triển nhà ở là gì? Điều kiện huy động vốn bằng phát hành trái phiếu, cổ phiếu quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Huy động vốn phát triển nhà ở bằng hình thức nào?

    Theo khoản 1 Điều 114 Luật Nhà ở 2023 thì việc huy động vốn phát triển nhà ở có thể được thực hiện theo các hình thức sau:

    - Huy động vốn thông qua góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của tổ chức, cá nhân;

    - Huy động thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ theo quy định của pháp luật;

    - Huy động thông qua cấp vốn từ nguồn vốn của Nhà nước để phát triển nhà ở bao gồm:

    + Vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

    + Vốn từ công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn huy động từ Quỹ phát triển đất, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách khác theo quy định của pháp luật.

    - Huy động thông qua vay vốn từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam;

    - Huy động thông qua vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội;

    - Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam;

    - Nguồn vốn hợp pháp khác.

    Như vậy, việc huy động vốn có thể được thực hiện thông qua một trong những hình thức nêu trên.

    Điều kiện huy động vốn phát triển nhà ở thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu được quy định như thế nào?

    Điều kiện huy động vốn phát triển nhà ở thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu được quy định như thế nào?(Hình Internet)

    Nguyên tắc huy động vốn phát triển nhà ở là gì?

    Theo khoản 1 Điều 116 Luật Nhà ở 2023 quy định về các nguyên tắc huy động vốn phát triển nhà ở như sau:

    - Huy động đúng hình thức;

    - Có đủ điều kiện để huy động vốn theo quy định của pháp luật về nhà ở;

    - Phù hợp đối với từng loại nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở 2023;

    - Tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền;

    - Tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp huy động nguồn vốn của Nhà nước theo quy định tại Điều 113 Luật Nhà ở 2023 thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công;

    - Bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết quy định tại điểm a khoản 1 Điều 114 Luật Nhà ở 2023 chỉ được phân chia lợi nhuận bằng tiền hoặc cổ phiếu trên cơ sở tỷ lệ vốn góp theo thỏa thuận trong hợp đồng; chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không được áp dụng hình thức huy động vốn quy định tại điểm này hoặc hình thức huy động vốn khác để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.

    Theo đó, việc huy động vốn phát triển nhà ở phải được thực hiện dựa trên các nguyên tắc nêu trên.

    Điều kiện huy động vốn bằng phát hành trái phiếu, cổ phiếu quy định như thế nào?

    Theo khoản 1,2 Điều 44 Nghị định 95/2024/NĐ-CP quy định điều kiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu như sau:

    * Đối với huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở

    - Chủ đầu tư dự án cần huy động vốn phải đáp ứng điều kiện phát hành trái phiếu và tuân thủ trình tự, thủ tục phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật về chứng khoán, pháp luật về doanh nghiệp; trường hợp huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài còn phải đáp ứng quy định nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư;

    - Đã lựa chọn được chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở;

    - Trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án hoặc đã thế chấp nhà ở trong dự án và đã đăng ký thế chấp theo quy định mà phát hành trái phiếu để huy động vốn cho việc đầu tư xây dựng phần dự án hoặc nhà ở đã thế chấp thì phải thực hiện thủ tục xóa đăng ký thế chấp hoặc rút bớt tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm trước khi phát hành trái phiếu.

    * Đối với huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải đáp ứng điều kiện phát hành cổ phiếu và tuân thủ trình tự, thủ tục phát hành cổ phiếu theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

    22