Di sản là bất động sản không có người thừa kế thì Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản được gửi đến đâu?
Nội dung chính
Di sản là bất động sản không có người thừa kế thì Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản được gửi đến đâu?
Căn cứ khoản 4 Điều 28 Nghị định 77/2025/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 28. Trình tự, thủ tục quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản là di sản không có người thừa kế
[...]
3. Đối với di sản không có người thừa kế thuộc thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, Phòng Tài chính - Kế hoạch có trách nhiệm lập Tờ trình kèm bản sao hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổng hợp gửi Sở Tài chính trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ do Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi, Sở Tài chính trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.
4. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ do Phòng Tài chính - Kế hoạch, Sở Tài chính trình theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản. Trường hợp tài sản là di sản không có người thừa kế là bất động sản thì Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản được gửi đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh hoặc tổ chức đăng ký đất đai và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.
Như vậy, khi quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với di sản là bất động sản không có người thừa kế được ban hành, quyết định đó phải được gửi đến:
- Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh;
- Tổ chức đăng ký đất đai;
- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan.
Di sản là bất động sản không có người thừa kế thì Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản được gửi đến đâu? (Hình từ Internet)
Trường hợp không có người nhận thừa kế thì tài sản sẽ thuộc về Nhà nước?
Căn cứ Điều 622 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
Điều 622. Tài sản không có người nhận thừa kế
Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.
Theo đó, tài sản thuộc về Nhà nước trong các trường hợp sau:
- Không có người thừa kế:
+ Không có người thừa kế theo di chúc;
+ Không có người thừa kế theo pháp luật.
- Có người thừa kế nhưng thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Không được quyền hưởng di sản (Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015) như bị kết án vì cố ý xâm phạm tính mạng người để lại di sản, giả mạo di chúc...;
+ Từ chối nhận di sản (Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015).
- Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ tài sản của người chết như trả nợ, thuế, chi phí mai táng…, phần còn lại mới thuộc về Nhà nước.
Nếu tài sản đó là bất động sản, Nhà nước sẽ tiến hành xác lập quyền sở hữu toàn dân thông qua quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo Nghị định 77/2025/NĐ-CP.
Di chúc hợp pháp theo quy định pháp luật là di chúc phải đáp ứng được những điều kiện nào?
Căn cứ Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Điều 630. Di chúc hợp pháp
1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Như vậy, di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện như người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.