Đất dính quy hoạch có được cấp giấy phép xây dựng nhà ở không?
Nội dung chính
Đất dính quy hoạch là gì?
Theo khoản 36 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất và khoanh vùng đất đai cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng đơn vị hành chính cho thời kỳ xác định.
Do đó, đất dính quy hoạch được hiểu là những thửa đất nằm trong phạm vi ranh giới quy hoạch của những dự án có mục đích phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.
Đất dính quy hoạch có được cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ không?
Cụ thể, tại khoản 5 Điều 94 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 33 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 thì đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đã được phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất, đồng thời đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì không cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc xây dựng mới mà chỉ cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để sửa chữa, cải tạo.
Tuy nhiên, nếu sau 03 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện (sau đây gọi là kế hoạch), cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch đã được công bố mà không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch thì người sử dụng đất được quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đối với nhà ở riêng lẻ theo quy định tại khoản 3 Điều 94 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 33 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020.
Như vậy, đối với trường hợp muốn xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ thì người dân cần xác định đất dính quy hoạch đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện hay chưa. Nếu đã có kế hoạch nhưng sau 03 năm kể từ công bố kế hoạch mà cơ quan có thẩm quyền chưa triển khai và cũng không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ đó thì người dân có thể xin cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đối với nhà ở riêng lẻ mà không bị hạn chế về quyền xây dựng nhà ở.
Đất dính quy hoạch có được cấp giấy phép xây dựng nhà ở không? (Hình ảnh từ Internet)
Quy định về kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện năm 2025
Cụ thể, tại Điều 66 Luật Đất đai 2024 được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 102 Luật Đầu tư công 2024 quy định về kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện như sau:
* Căn cứ lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện bao gồm:
- Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; quy hoạch xây dựng; quy hoạch đô thị đối với trường hợp không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện;
- Hiện trạng sử dụng đất; kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm trước;
- Nhu cầu, khả năng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực của các cấp, của các tổ chức; các công trình, dự án đã có chủ trương đầu tư;
- Khả năng đầu tư, huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch sử dụng đất.
* Nội dung kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện bao gồm:
- Diện tích các loại đất đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và diện tích các loại đất theo nhu cầu sử dụng đất của cấp huyện, cấp xã trong năm kế hoạch và được xác định đến từng đơn vị hành chính cấp xã;
- Danh mục các công trình, dự án dự kiến thực hiện trong năm; dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (nếu có); diện tích đất để đấu giá quyền sử dụng đất, các dự án thu hồi đất trong năm, dự án tái định cư, đất sản xuất dự kiến bồi thường cho người có đất thu hồi;
- Diện tích các loại đất, danh mục các công trình, dự án đã được xác định trong năm kế hoạch trước được tiếp tục thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 76 Luật Đất đai 2024;
- Xác định diện tích các loại đất cần chuyển mục đích sử dụng đối với các loại đất phải xin phép, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 116 Luật Đất đai 2024;
- Giải pháp, nguồn lực thực hiện kế hoạch sử dụng đất.
* Tiêu chí lựa chọn các công trình, dự án ưu tiên trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện bao gồm:
- Bảo đảm quốc phòng, an ninh;
- Hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường;
- Tính khả thi của việc thực hiện.
Lưu ý: Dự án chưa có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được thực hiện mà không phải bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện:
+ Đã có quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
+ Đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, quyết định chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
+ Dự án có sử dụng đất phục vụ cho việc thu hồi đất do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người hoặc không còn khả năng tiếp tục sử dụng quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật Đất đai 2024.
* Xây dựng và cập nhật dữ liệu kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.