Công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp là gì?
Nội dung chính
Công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp là gì?
Căn cứ theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
6. Công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp là công trình phục vụ sơ chế, bảo quản nông sản; kho chứa vật tư nông nghiệp, máy móc, dụng cụ lao động; trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp.
...
Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 3 Quyết định 90/2024/QĐ-UBND của UBND TP.HCM quy định:
Giải thích từ ngữ
Công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp gồm lán, trại, kho để phục vụ sơ chế, bảo quản nông sản, chứa vật tư nông nghiệp, máy móc, dụng cụ lao động.
Như vậy, công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp là công trình phục vụ sơ chế, bảo quản nông sản; kho chứa vật tư nông nghiệp, máy móc, dụng cụ lao động; trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp. Bao gồm lán, trại, kho để phục vụ sơ chế, bảo quản nông sản, chứa vật tư nông nghiệp, máy móc, dụng cụ lao động.
Công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp là gì? (Hình Internet)
Được xây công trình trên đất nông nghiệp tại TPHCM không?
Ngày 23/10/2024 vừa qua, UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định 90/2024/QĐ-UBND quy định về sử dụng một diện tích đất nông nghiệp để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Căn cứ theo Điều 1 Quyết định 90/2024/QĐ-UBND của UBND TP.HCM quy định về phạm vi điều chỉnh như sau:
Phạm vi điều chỉnh
1. Quyết định này quy định về sử dụng một diện tích đất nông nghiệp (trừ đất trồng lúa) để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Diện tích đất xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa thực hiện theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa.
Dựa trên Quyết định 90/2024/QĐ-UBND của UBND TP.HCM thì TP.HCM cho phép xây công trình trên đất nông nghiệp tuy nhiên công trình này phải phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa thực hiện theo quy định của Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa.
Điều kiện được xây công trình trên đất nông nghiệp trên TP.HCM như thế nào và có cần giấy phép không?
Căn cứ theo Điều 4 Quyết định 90/2024/QĐ-UBND của UBND TP.HCM quy định về điều kiện áp dụng với thửa đất nông nghiệp xây công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:
- Thửa đất nông nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và còn thời hạn sử dụng đất.
- Diện tích đất nông nghiệp của khu đất đang sử dụng từ 500m² trở lên bao gồm một thửa đất hoặc nhiều thửa đất liền kề của cùng một người sử dụng đất.
Về diện tích đất để xây dựng và quy mô công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất nông nghiệp được căn cứ theo Điều 5 Quyết định 90/2024/QĐ-UBND của UBND TP.HCM như sau:
- Tỷ lệ diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp tối đa 01% tổng diện tích đất nông nghiệp nhưng không vượt quá 50m².
- Công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp chỉ được xây dựng một tầng, chiều cao đỉnh mái tối đa 5m, không có tầng hầm, có kết cấu bán kiên cố (tường gạch hoặc tường vật liệu nhẹ; cột gạch hoặc cột thép, cột sắt; mái vật liệu nhẹ.
Căn cứ theo Điều 6 Quyết định 90/2024/QĐ-UBND của UBND TP.HCM quy định về xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:
Xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp
1. Việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 131 Luật Xây dựng (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 49 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng) và được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng).
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận về địa điểm, quy mô xây dựng công trình (theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Quyết định này) và thời gian tồn tại của công trình theo quy định tại khoản 2 Điều 131 Luật Xây dựng (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 49 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng).
3. Việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp không làm ảnh hưởng đến công trình thủy lợi, công trình đê điều, diện tích đất nông nghiệp liền kề và không vi phạm lộ giới đường hiện hữu theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
4. Chủ đầu tư chấp hành việc tháo dỡ không điều kiện và không được bồi thường khi hết thời gian tồn tại theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc trong trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo quy định hoặc cho đến khi thửa đất nông nghiệp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất.
Như vậy, TP.HCM cho phép được xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và được miễn giấy phép theo Quyết định 90/2024/QĐ-UBND của UBND TP.HCM.
Lưu ý, loại công trình này dù miễn giấy phép xây dựng nhưng phải được UBND cấp huyện chấp thuận về địa điểm, quy mô xây dựng và thời gian tồn tại. Hơn nữa, việc xây dựng không được ảnh hưởng đến công trình thủy lợi, đê điều, diện tích đất nông nghiệp liền kề và không vi phạm lộ giới.