Công trình kiến trúc có giá trị được phân thành mấy loại? Việc quản lý công trình kiến trúc có giá trị ra sao?
Nội dung chính
Công trình kiến trúc có giá trị được phân thành mấy loại?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 3 Luật Kiến trúc 2019 giải thích công trình kiến trúc có giá trị là công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Căn cứ Điều 4 Nghị định 85/2020/NĐ-CP thì công trình kiến trúc có giá trị được phân thành 03 loại:
+ Loại I khi đáp ứng hai tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan (tiêu chí này phải đạt từ 80 điểm trở lên) và tiêu chí về giá trị lịch sử, văn hóa;
+ Loại II khi đáp ứng hai tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan và tiêu chí về giá trị lịch sử, văn hóa;
+ Loại III khi đáp ứng một trong hai tiêu chí: tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan hoặc tiêu chí về giá trị lịch sử, văn hóa.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) căn cứ quy định nêu trên phân loại và quyết định biện pháp, kinh phí thực hiện để quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị của công trình kiến trúc.
Công trình kiến trúc có giá trị được phân thành mấy loại? Việc quản lý công trình kiến trúc có giá trị ra sao? (Hình từ Internet)
Việc quản lý công trình kiến trúc có giá trị ra sao?
Việc quản lý công trình kiến trúc có giá trị được quy định tại Điều 13 Luật Kiến trúc 2019 như sau:
(1) Công trình kiến trúc có giá trị đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa được quản lý theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
(2) Công trình kiến trúc có giá trị không thuộc quy định tại khoản (1) được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, đánh giá hằng năm, lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị để tổ chức quản lý.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lấy ý kiến hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị trước khi phê duyệt.
Lưu ý: Chủ sở hữu, người sử dụng công trình kiến trúc thuộc danh mục công trình kiến trúc có giá trị có quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Được thụ hưởng lợi ích từ việc bảo vệ, giữ gìn, tu bổ và khai thác công trình;
- Được Nhà nước xem xét hỗ trợ kinh phí bảo vệ, giữ gìn, tu bổ công trình;
- Bảo vệ, giữ gìn, tu bổ các giá trị kiến trúc của công trình; bảo đảm an toàn của công trình trong quá trình khai thác, sử dụng;
- Không tự ý thay đổi hình thức kiến trúc bên ngoài, kết cấu và khuôn viên của công trình;
- Khi phát hiện công trình có biểu hiện xuống cấp về chất lượng, có kết cấu kém an toàn cần thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương.
Quy định về Hội đồng tư vấn về kiến trúc có giá trị
- Hội đồng tư vấn về kiến trúc quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khi cần thiết để tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về kiến trúc và kiến trúc của một số công trình quan trọng.
- Hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập khi cần thiết để tư vấn cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về lĩnh vực kiến trúc và kiến trúc của một số công trình quan trọng, công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn quản lý.
- Thành viên Hội đồng tư vấn về kiến trúc gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước về kiến trúc, chuyên gia trong lĩnh vực liên quan đến kiến trúc.
- Thành viên Hội đồng tư vấn về kiến trúc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; Hội đồng tự giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ.
Lưu ý: Hội đồng và thành viên Hội đồng tư vấn về kiến trúc chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người quyết định thành lập Hội đồng về nội dung tham mưu, tư vấn của mình.
(Theo Điều 16 Luật Kiến trúc 2019)