Có được sử dụng đất ở để kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê không?

Chuyên viên pháp lý Lê Bá Phong
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Hình thức sử dụng đất trong việc kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê là gì? Có được sử dụng đất ở trong việc kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê không?

Nội dung chính

    Hình thức sử dụng đất trong việc kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê là gì?

    Căn cứ theo khoản 6 Điều 21 Nghị định 168/2017/NĐ-CP, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê là một trong những loại hình cơ sở lưu trú du lịch, cụ thể là nhà ở có khu vực được bố trí trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú; khách cùng sinh hoạt với gia đình chủ nhà. 

    Theo đó, căn cứ theo điểm b khoản 5 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì đất sử dụng để xây dựng cơ sở lưu trú là loại đất thương mại, dịch vụ thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.

    Đồng thời, căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 120 Luật Đất đai 2024 thì đất thương mại, dịch vụ sử dụng vào mục đích hoạt động du lịch sẽ được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

    Như vậy, hình thức sử dụng đất khi hoạt động kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê là đất thương mại, dịch vụ sử dụng vào mục đích hoạt động du lịch được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

    Có được sử dụng đất ở để kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê không?

    Có được sử dụng đất ở để kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê không?(Hình Internet)

    Có được sử dụng đất ở để kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê không?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì đất ở được định nghĩa là loại đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, sử dụng với mục đích làm nhà ở và các mục đích khác phục vụ cho đời sống trong cùng một thửa đất.

    Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 218 Luật Đất đai 2024 thì đất ở sẽ được sử dụng kết hợp đa mục đích với việc hoạt động thương mại, dịch vụ. 

    Đồng thời tại khoản 2 Điều 218 Luật Đất đai 2024 thì việc sử dụng đất ở kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

    - Không làm thay đổi loại đất theo phân loại đất

    - Không làm mất đi điều kiện cần thiết để trở lại sử dụng đất vào mục đích chính

    - Không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh

    - Hạn chế ảnh hưởng đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường

    - Không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề

    - Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính

    - Tuân thủ pháp luật có liên quan

    Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 218 Luật Đất đai 2024 nêu rõ khi sử dụng đất ở kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ thì người sử dụng đất phải thực hiện việc lập phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích bao gồm các nội dung sau:

    - Thông tin về thửa đất, khu đất đang sử dụng: vị trí, diện tích, hình thức sử dụng đất; thời hạn sử dụng đất

    - Diện tích, mục đích sử dụng đất kết hợp, thời hạn sử dụng đất kết hợp

    - Nội dung đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan

    Như vậy, người sử dụng đất được sử dụng đất ở để kết hợp với mục đích kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (sử dụng đất kết hợp đa mục đích), tuy nhiên, việc sử dụng đất kết hợp này phải đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định nêu trên. Đồng thời, người sử dụng đất phải xây dựng phương án sử dụng đất đa mục đích và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phê duyệt theo quy định hiện hành.

    Thủ tục phê duyệt phương án sử dụng đất ở kết hợp với mục đích kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê là gì?

    Căn cứ theo khoản 4 Điều 99 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì việc phê duyệt phương án sử dụng đất ở kết hợp với mục đích kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê được thực hiện như sau:

    Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:

    Người sử dụng đất chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm:

    - Đơn đề nghị sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 102/2024/NĐ-CP

    - Phương án sử dụng đất kết hợp

    - Giấy chứng nhận đã cấp hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024.

    Bước 2: Nộp hồ sơ:

    - Người sử dụng đất là cá nhân thì tiến hành nộp 1 bộ hồ sơ đăng ký sử dụng đất kết hợp đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện.

    - Người sử dụng đất là tổ chức thì tiến hành nộp 1 bộ hồ sơ đăng ký sử dụng đất kết hợp đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh.

    Bước 3: Xử lý hồ sơ:

    (1) Đối với người nộp hồ sơ là cá nhân:

    - Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện chủ trì, phối hợp với các phòng, ban liên quan thẩm định phương án sử dụng đất kết hợp trình Ủy ban nhân dân cấp huyện,

    - Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xem xét, chấp thuận phương án sử dụng đất kết hợp.

    (2) Đối với người nộp hồ sơ là tổ chức:

    - Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan thẩm định phương án sử dụng đất kết hợp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

    - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, chấp thuận phương án sử dụng đất kết hợp.

    Lưu ý: Thời gian thực hiện việc thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất kết hợp đối với cả hai trường hợp là không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Nếu không chấp thuận thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do

    Bước 4: Nhận kết quả

    54
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ