Có được kết hôn với nhau khi là anh em cùng cha khác mẹ hay không? Có thể kết hôn với người bị bại liệt nửa người không?

Có được kết hôn với nhau khi là anh em cùng cha khác mẹ hay không? Có thể kết hôn với người bị bại liệt nửa người không? Thủ tục đăng ký kết hôn với người Việt Nam ở trong nước?

Nội dung chính


    Có được kết hôn với nhau khi là anh em cùng cha khác mẹ hay không? 

    Tôi và bạn gái quen nhau được 3 năm nhưng chưa từng đi quá giới hạn. Thời gian gần đây tôi phát hiện ra một sự thật động trời tưởng chừng như chỉ có trong phim lại ập đến với tôi, đó là bạn gái tôi quen suốt 3 năm là em cùng cha khác mẹ với tôi. Nhưng tôi quyết tâm giữ kín bí mật này không nói cho cô ấy biết và vẫn muốn cưới cô ấy làm vợ. Xin cho tôi hỏi, trường hợp này pháp luật có chấp thuận hay không ạ? 

    Trả lời:

    Tại Điểm d Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:

    2. Cấm các hành vi sau đây:

    ...

    d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;"

    Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì pháp luật nghiêm cấm việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.

    Đồng nghĩa, những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời thì không được kết hôn với nhau.

    Trong đó, theo quy định tại Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì: - Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.

    - Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.

    Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì có thể xác định anh em cùng cha khác mẹ thuộc trường hợp là những người có họ trong phạm vi ba đời, trong đó có cha là đời thứ nhất và anh em cùng cha là đời thứ hai.

    Mà theo như thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi thì bạn và bạn gái quen nhau được 3 năm. Gần đây bạn có phát hiện thông tin rằng bạn gái mà bạn quen suốt 3 năm là em cùng cha khác mẹ với bạn, nhưng chưa có cơ sở khoa học hoặc pháp lý để chứng minh về vấn đề này.

    Do đó: Bạn nên thực hiện kiểm tra ADN để có kết luận chính xác nhất về trường hợp này. Nếu sau khi kiểm tra ADN mà cho ra kết quả hai người là anh em cùng cha khác mẹ thì hai bạn không thể kết hôn với nhau.

    Trường hợp khi kiểm tra ADN mà cho ra kết quả không trùng khớp - tức hai bạn không phải là anh em cùng cha khác mẹ thì hai bạn có thể đăng ký kết hôn với nhau (tuy nhiên hai người cần phải đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014.

    Có được kết hôn với nhau khi là anh em cùng cha khác mẹ hay không? Có thể kết hôn với người bị bại liệt nửa người không? (Hình ảnh từ Internet)

    Có thể kết hôn với người bị bại liệt nửa người không?

    Tôi và người yêu tôi đã yêu nhau 3 năm và đều có nguyện vọng kết hôn, tuy nhiên vừa qua trên đường đi làm về anh ấy bị xe tông và giờ bị bại liệt nửa người không thể đi đứng được chỉ có thể nằm một chỗ, tôi muốn đăng ký kết hôn với anh ấy để chăm sóc cho anh ấy cả đời. Ban biên tập cho tôi hỏi việc kết hôn với người bị bại liệt như vậy có bị cấm không?

    Trả lời:

    Căn cứ Điều 5 và Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy đinh về các trường hợp cấm kết hôn và điều kiện để nam nữ kết hôn cụ thể như sau:

    Cấm các hành vi sau đây:

    - Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

    - Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

    - Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

    - Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

    ...

    Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

    - Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

    - Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

    - Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

    - Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

    Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

    Như vậy, căn cứ quy định của pháp luật thì trường hợp người yêu bạn bị bại liệt nửa người không thuộc các trường hợp bị cấm kết hôn theo quy định của pháp luật và nếu hai bạn đáp ứng được các điều kiện để kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì hai bạn hoàn toàn có thể thực hiện thủ tục kết hôn với nhau. Tuy nhiên, căn cứ Điều 18 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thủ tục đăng ký kết hôn theo đó:

    1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.

    ...

    Như vậy, vì người yêu bạn bị bại liệt do vậy sẽ rất khó khăn trong việc di chuyển để có mặt tại cơ quan tư pháp xã phường để cùng bạn đăng ký kết hôn, nếu giải quyết được vấn đề này thì bạn hoàn toàn có thể đăng ký kết hôn bình thường theo quy định của pháp luật.

    Thủ tục đăng ký kết hôn với người Việt Nam ở trong nước

    Tôi là và bạn gái đều là người Việt Nam và chuẩn bị kết hôn, cho hỏi thủ tục, và trình tự đăng ký kết hôn như thế nào? Nhờ ban biên tập tư vấn hỗ trợ.

    Trả lời:

     Căn cứ pháp lý:

    - Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

    - Điều 11 và Điều 18 Luật Hộ tịch 2014.

    - Điều 2 và Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.

    Điều kiện:

    - Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

    + Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.

    + Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định.

    + Không bị mất năng lực hành vi dân sự.

    + Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

    - Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

    Hồ sơ:

    - Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân.

    - Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nếu không thường trú tại xã nơi đăng ký kết hôn.

    - Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu.

    Phương thức nộp:

    Hồ sơ đăng ký kết hôn do hai bên nộp trực tiếp và cùng có mặt tại UBND cấp xã.

    Cơ quan giải quyết:

     Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.

    Thời hạn giải quyết:

    - Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

    - Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.

    Lệ phí: Được miễn

    Chúng tôi phản hồi thông tin đến bạn.

    398