Có bị xử phạt hay không nếu không thực hiện thủ tục đăng ký khai tử cho người đã qua đời?

Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Không làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đã chết có bị xử phạt không? Thẩm quyền và thủ tục đăng ký khai tử?

Nội dung chính

    Có bị xử phạt hay không nếu không thực hiện thủ tục đăng ký khai tử cho người đã qua đời?

    Căn cứ Khoản 3b Điều 41 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai tử như sau:

    1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai tử.

    2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    a) Làm chứng sai sự thật cho người khác để đăng ký khai tử;

    b) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được đăng ký khai tử.

    3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    a) Làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đang sống;

    b) Không làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đã chết để trục lợi;

    c) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật khi làm thủ tục đăng ký khai tử để trục lợi.

    4. Hình thức xử phạt bổ sung:

    Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

    5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

    a) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2, các điểm a và c khoản 3 Điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều này;

    b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.

    Như vậy, về nguyên tắc không làm thủ tục khai tử mục đích là để trục lợi thì sẽ bị xử phạt còn trường hợp khác có thể họ quên hay lý do nào đó mà  không có dấu hiệu trục lợi thì sẽ không bị chế tài xử lý này.

    Có bị xử phạt hay không nếu không thực hiện thủ tục đăng ký khai tử cho người đã qua đời? (Hình ảnh từ Internet)

    Thẩm quyền và thủ tục đăng ký khai tử?

    Căn cứ Điều 32 và Điều 34 Luật Hộ tịch 2014 quy định về nội dung trên như sau:

    Thẩm quyền đăng ký khai tử

    Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.

    Thời hạn và trách nhiệm đăng ký khai tử

    - Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử.

    - Công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc khai tử cho người chết; trường hợp không xác định được người có trách nhiệm đi khai tử thì công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện đăng ký khai tử.

    Thủ tục đăng ký khai tử

    - Người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và Giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay giấy báo tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

    - Ngay sau khi nhận giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc khai tử đúng thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai tử vào Sổ hộ tịch, cùng người đi khai tử ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người đi khai tử.

    Công chức tư pháp - hộ tịch khóa thông tin hộ tịch của người chết trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

     

    37
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ