Chủ nhà có được phép tăng tiền nhà sau khi cải tạo nhà ở không?
Nội dung chính
Chủ nhà có được phép tăng tiền nhà sau khi cải tạo nhà ở không?
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 132 Luật nhà ở 2023 như sau:
Bảo trì, cải tạo nhà ở đang cho thuê
1. Bên cho thuê nhà ở có quyền bảo trì, cải tạo nhà ở khi có sự đồng ý của bên thuê nhà ở, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc vì lý do bất khả kháng. Bên thuê nhà ở có trách nhiệm để bên cho thuê nhà ở thực hiện việc bảo trì, cải tạo nhà ở.
2. Bên cho thuê nhà ở được quyền điều chỉnh giá thuê hợp lý sau khi kết thúc việc cải tạo nếu thời gian cho thuê còn lại từ một phần ba thời hạn của hợp đồng thuê nhà trở xuống; trường hợp bên thuê nhà ở không đồng ý với việc điều chỉnh giá thuê thì có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Theo đó, bên cho thuê nhà ở có quyền thực hiện bảo trì và cải tạo nhà ở với sự đồng ý của bên thuê, ngoại trừ trong các tình huống khẩn cấp hoặc bất khả kháng.
Bên thuê có trách nhiệm tạo điều kiện cho bên cho thuê thực hiện các công việc này.
Sau khi hoàn thành việc cải tạo, bên cho thuê có quyền điều chỉnh giá thuê một cách hợp lý nếu thời gian cho thuê còn lại dưới một phần ba hợp đồng.
Nếu bên thuê không đồng ý với việc điều chỉnh này, họ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu còn thời hạn thuê thì sau khi cải tạo chủ nhà có quyền tăng tiền nhà và phải nhận được sự đồng ý của bên thuê. Nếu không đồng ý bên thuê nhà có quyền chấm dứt hợp đồng thuê nhà.
Chủ nhà có được phép tăng tiền nhà sau khi cải tạo nhà ở không? (Ảnh từ Internet)
Chủ nhà có quyền và nghĩa vụ gì trong việc bảo trì và cải tạo nhà ở?
Căn cứ theo quy định tại Điều 135 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:
Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở trong việc bảo trì, cải tạo nhà ở
1. Chủ sở hữu nhà ở có các quyền sau đây trong việc bảo trì, cải tạo nhà ở:
a) Được tự thực hiện việc bảo trì, cải tạo hoặc thuê tổ chức, cá nhân thực hiện bảo trì, cải tạo; trường hợp pháp luật quy định phải do tổ chức, cá nhân có năng lực thực hiện thì phải thuê đơn vị, cá nhân có năng lực thực hiện bảo trì, cải tạo;
b) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng trong trường hợp cải tạo nhà ở phải có giấy phép xây dựng, tạo điều kiện cho việc bảo trì, cải tạo nhà ở khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về xây dựng;
c) Quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nhà ở có các nghĩa vụ sau đây trong việc bảo trì, cải tạo nhà ở:
a) Chấp hành quy định của pháp luật về bảo trì, cải tạo nhà ở; tạo điều kiện cho chủ sở hữu nhà ở khác thực hiện việc bảo trì, cải tạo nhà ở của họ;
b) Bồi thường cho tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp gây thiệt hại;
c) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, chủ nhà ở có quyền tự thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực để thực hiện bảo trì, cải tạo nhà ở, cũng như yêu cầu cơ quan nhà nước cấp giấy phép xây dựng khi cần thiết.
Đồng thời, họ cũng có quyền khác theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, chủ nhà ở cũng phải tuân thủ các nghĩa vụ như chấp hành quy định pháp luật về bảo trì, cải tạo, tạo điều kiện cho các chủ sở hữu khác thực hiện công việc tương tự, bồi thường thiệt hại nếu gây ra cho tổ chức hoặc cá nhân khác, và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật.
Bên thuê nhà có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà trong trường hợp nào?
Theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 172 Luật nhà ở 2023 quy định như sau:
Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở
3. Bên thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bên cho thuê nhà ở không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng;
b) Bên cho thuê nhà ở tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý hoặc tăng giá thuê mà không thông báo cho bên thuê nhà ở biết trước theo thỏa thuận trong hợp đồng;
c) Khi quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.
4. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở phải thông báo bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận trong hợp đồng cho bên kia biết trước ít nhất 30 ngày, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; trường hợp vi phạm quy định tại khoản này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Như vậy, bên thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê trong các trường hợp như bên cho thuê không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng, tăng giá thuê bất hợp lý hoặc không thông báo trước về việc tăng giá, và khi quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.
Khi quyết định chấm dứt hợp đồng, bên thuê phải thông báo cho bên cho thuê bằng văn bản hoặc hình thức khác theo thỏa thuận ít nhất 30 ngày trước, trừ khi có thỏa thuận khác.
Nếu vi phạm quy định này gây thiệt hại, bên đơn phương chấm dứt hợp đồng phải bồi thường theo quy định pháp luật.