Cách xác định địa giới hành chính và cơ quan nào có thẩm quyền xác định địa giới hành chính theo quy định về đất đai?

Chuyên viên pháp lý Sằn Ửng Moi
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Cách xác định địa giới hành chính được quy định như thế nào? Cơ quan nào có thẩm quyền xác định địa giới hành chính theo quy định pháp luật về đất đai?

Nội dung chính

    Trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính thì sẽ giải quyết như thế nào theo pháp luật về đất đai?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính được giải quyết như sau:

    - Trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh thì trên cơ sở hồ sơ, đề án của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát, trình Chính phủ xem xét, quyết định. Trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính có trách nhiệm chỉ đạo lập hồ sơ, đề án gửi Bộ Nội vụ thẩm định trình Chính phủ xem xét, quyết định.

    Trường hợp quá trình giải quyết làm thay đổi địa giới đơn vị hành chính dẫn tới phải điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính các cấp thì việc điều chỉnh thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

    - Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm cung cấp tài liệu cần thiết và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình giải quyết, thống nhất về địa giới đơn vị hành chính.

    Như vậy, trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính sẽ được giải quyết thông qua sự phối hợp giữa các cấp chính quyền và cơ quan liên quan. Đối với cấp tỉnh, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm chủ trì và trình Chính phủ quyết định dựa trên hồ sơ và đề án của các địa phương liên quan. Đối với cấp huyện và xã, UBND cấp tỉnh chỉ đạo lập hồ sơ gửi Bộ Nội vụ thẩm định. Quá trình giải quyết nếu dẫn đến thay đổi địa giới sẽ tuân theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các nghị quyết liên quan. Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan quản lý đất đai có trách nhiệm hỗ trợ tài liệu và phối hợp trong quá trình này.

    Cách xác định địa giới hành chính và cơ quan có thẩm quyền xác định địa giới hành chính theo quy định về đất đai?

    Theo quy định tại Điều Điều 49 Luật Đất đai 2024 quy định về việc xác định địa giới hành chính như sau:

    (1) Địa giới đơn vị hành chính được lập theo đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Hồ sơ địa giới đơn vị hành chính thể hiện thông tin về việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính và các mốc địa giới, đường địa giới của đơn vị hành chính đó.

    (2) Bộ Nội vụ hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan xác định địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp dưới có liên quan xác định địa giới đơn vị hành chính trên thực địa và lập hồ sơ về địa giới đơn vị hành chính trong phạm vi địa phương.

    (3) Phạm vi quản lý đất đai trên đất liền được xác định theo đường địa giới đơn vị hành chính của từng đơn vị hành chính theo quy định của pháp luật.

    (4) Trường hợp phạm vi quản lý đất đai cấp tỉnh chưa xác định được do chưa xác định được địa giới đơn vị hành chính thì Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương có liên quan lập hồ sơ trình Chính phủ.

    (5) Trường hợp phạm vi quản lý đất đai cấp huyện, cấp xã chưa xác định được do chưa xác định được địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp dưới có liên quan phối hợp giải quyết; trong thời gian chưa có quyết định về xác định địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai đối với khu vực chưa thống nhất. Trường hợp không thống nhất được phương án giải quyết thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập hồ sơ trình Chính phủ.

    (6) Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn việc giải quyết trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính; tổ chức giải quyết việc chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này.

    Bộ Nội vụ quy định về việc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.

    Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 109 Nghị định 102/2024/NĐ-CP những hành vi sau được xem là hành vi vi phạm quy định về hồ sơ và mốc địa giới đơn vị hành chính:

    - Làm sai lệch sơ đồ vị trí, bảng tọa độ, biên bản bàn giao mốc địa giới đơn vị hành chính;

    - Cắm mốc địa giới đơn vị hành chính sai vị trí trên thực địa.

    Như vậy, việc xác định địa giới hành chính được thực hiện theo từng cấp đơn vị hành chính và do các cơ quan có thẩm quyền phối hợp thực hiện. Bộ Nội vụ hướng dẫn UBND cấp tỉnh xác định địa giới cấp tỉnh, và UBND cấp trên chỉ đạo cấp dưới xác định địa giới thực địa.

    Trong trường hợp chưa xác định được địa giới, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ trình Chính phủ. Chính phủ chịu trách nhiệm hướng dẫn và giải quyết các trường hợp chưa thống nhất. Bộ Nội vụ cũng quy định việc lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính.

    Cách xác định địa giới hành chính và cơ quan nào có thẩm quyền xác định địa giới hành chính theo quy định về đất đai?

    Cách xác định địa giới hành chính và cơ quan nào có thẩm quyền xác định địa giới hành chính? (Hình ảnh từ internet)

    Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính?

    Theo quy định tại Điều 129 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 thì thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính thuộc về các cơ quan sau:

    (1) Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh.

    (2) Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

    (3) Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 129 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015.

    Như vậy, thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới, đặt tên và đổi tên đơn vị hành chính được phân cấp như sau: Quốc hội có thẩm quyền đối với cấp tỉnh, trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đối với cấp huyện và xã. Chính phủ có trách nhiệm trình các quyết định này lên Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới hành chính ở các cấp.

    69
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ